5 cách để bài học về lòng tôn trọng 'thấm' dần vào con

30/01/2018 - 13:09
Khi biết tôn trọng, trẻ sẽ có những đức tính tốt như sống lương thiện, có trách nhiệm và không than thân trách phận. Tuy nhiên, để những bài học về lòng tôn trọng “thấm” dần trong từng đứa trẻ, rất cần sự khéo léo, tinh tế của các bậc cha mẹ.
2.jpg
để dạy con biết ứng xử tôn trọng, bạn hãy cúi xuống ngang tầm người trẻ, nhìn thẳng vào mắt con một cách chân thành và thể hiện quan tâm đến con mỗi khi con nói chuyện - Ảnh minh họa

  1. Dạy con bằng những cách hành xử tôn trọng

Nếu cha mẹ dạy trẻ rằng, con phải tôn trọng mọi người nếu không vâng lời thì sẽ bị đánh thì trẻ có tuân thủ cũng chỉ là vì sợ hãi chứ không hẳn là vì trẻ tôn trọng người khác.

Vì thế, để dạy con biết ứng xử tôn trọng, bạn hãy cúi xuống ngang tầm người trẻ, nhìn thẳng vào mắt con một cách chân thành và thể hiện quan tâm đến con mỗi khi con nói chuyện.

Cha mẹ hãy cho trẻ có quyền nêu ý kiến về các vấn đề của gia đình. Sống trong môi trường được mọi người tôn trọng, trẻ sẽ thấm nhuần những cử chỉ làm hài lòng người khác và có cách hành xử tương ứng để khẳng định mình.

  1. Dạy con cách trả lời lịch thiệp

Trẻ học các hành vi ứng xử chủ yếu qua bắt chước những người thân trong gia đình. Do đó, ngay từ thuở ấu thơ, cha mẹ nên dạy con cách bày tỏ thái độ quan tâm và tôn trọng người khác. Đặc biệt, cha mẹ cần rèn cho con thói quen dùng những từ: “Dạ thưa”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”…

Người lớn chỉ cần gương mẫu thực hiện và nhắc nhở trẻ nghiêm túc thực hiện theo. Đồng thời, cha mẹ thường xuyên ứng xử với con bằng thái độ lịch sự và sẵn sàng chia sẻ với con bất cứ điều gì nếu con hành xử một cách lịch thiệp.

Khi trở thành thói quen, trẻ sẽ thể hiện sự tôn trọng nhuần nhuyễn cả trong lời nói cũng như trong cử chỉ, điệu bộ.

3.jpg
Động viên trẻ nói ra bức xúc một cách tế nhị sẽ giúp trẻ kiểm soát được hành vi tốt hơn và ít “bùng phát” những hành vi thiếu lịch sự - Ảnh minh họa
 
  1. Động viên trẻ nói ra nỗi lòng của mình

Trẻ rất muốn ứng xử tốt để làm cha mẹ vui lòng. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm sống và hạn chế trong ứng xử, khả năng kiềm chế còn thấp nên không phải lúc nào cũng kiểm soát được hành vi của mình.

Cho nên, khi trẻ giận dỗi hoặc có hành vi ứng xử thô lỗ, cha mẹ hãy hết sức bình tĩnh. Đôi khi cách tốt nhất là trò chuyện với trẻ khi chúng lấy lại được tinh thần.

Động viên trẻ nói ra bức xúc một cách tế nhị sẽ giúp trẻ kiểm soát được hành vi tốt hơn và ít “bùng phát” những hành vi thiếu lịch sự. Bằng cách tâm sự với con, cha mẹ vừa hiểu con hơn vừa cùng con tìm ra được bản chất của vấn đề để cùng giải quyết.

Đồng thời cũng tránh được những sai lầm là áp đặt, ép buộc con mọi thứ. Mỗi khi không còn ấm ức, buồn phiền, trẻ sẽ tự nguyện hành động những điều phù hợp với chuẩn mực.

  1. Không được nghiêm trọng hóa vấn đề

Khi con có những hành động thiếu tôn trọng người khác như hách dịch, ra lệnh cho bạn, nhái lại những từ ngữ của bạn bè, gào thét khi chưa thỏa mãn… cha mẹ không nên quát tháo ầm ĩ, nổi giận lôi đình. Cách ứng xử thiếu kiềm chế của cha mẹ sẽ khiến trẻ càng muốn làm trái lời cha mẹ dạy để chống đối.

Bạn hãy đặt mình vào vị trí của trẻ, có thể chúng chẳng suy nghĩ xa xôi gì mà chỉ muốn thể hiện bản thân và không lường được hậu quả. Nếu dùng biện pháp mạnh đối với trẻ, mọi việc sẽ đi theo chiều hướng xấu.

Thay vào đó, bạn hãy kiên trì dạy trẻ những cách ứng xử lịch sự cụ thể. Chỉ cho trẻ một số cách ứng xử cụ thể, sẽ giúp trẻ thuận lợi hơn khi muốn bày tỏ sự tôn trọng với người khác.

  1. Biểu dương trẻ kịp thời

Cha mẹ thường hay quát tháo, trách phạt khi con ứng xử thiếu lịch sự, không biết tôn trọng người khác, mà lại hay bỏ qua việc động viên, tuyên dương khi con có cách ứng xử lịch thiệp.

Hãy khen trẻ bằng những câu nói và hành vi hết sức chân thành, gần gũi. Chẳng hạn, “Cha mẹ cảm thấy rất tự hào về con khi con hỏi thăm sức khỏe và trò chuyện lịch sự với bà nội qua điện thoại” hoặc “Mẹ cảm ơn con đã phụ mẹ dọn mâm, biết mời mọi người dùng bữa”…

Những lời khen chân thành, kịp thời sẽ tạo động lực để trẻ cố gắng sống biết tôn trọng người khác hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm