pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 điều cần biết về vi khuẩn HP
1. Vi khuẩn HP là gì?
HP là viết tắt của Helicobacter pylori, hay còn được gọi đơn giản là H. pylori. Đây là một loại xoắn khuẩn gram âm, hình xoắn ốc. Và vi khuẩn HP có thể xâm nhập vào cơ thể con người và sống trong đường tiêu hóa.
Bị nhiễm vi khuẩn HP là tình trạng khá phổ biến. Có đến 2/3 dân số thế giới có chứa vi khuẩn HP trong cơ thể. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, nó không gây hại hoặc gây ra các triệu chứng rõ rệt nào.
Nếu vi khuẩn HP phát triển đủ mạnh thì chúng có thể gây loét niêm mạc dạ dày hoặc phần trên của ruột non. Nó tấn công niêm mạc dạ dày khiến axit trong dịch vị có thể xâm nhập qua lớp lót gây loét. Điều này có thể dẫn đến chảy máu, nhiễm trùng hoặc khiến thức ăn lưu lại ở đường tiêu hóa. Thậm chí, nhiễm vi khuẩn HP, nếu không được kiểm soát sớm thì có thể gây ung thư dạ dày.
2. Triệu chứng cơ thể bị nhiễm vi khuẩn HP
Trong đa số các trường hợp, nhiễm vi khuẩn HP không cho triệu chứng rõ rệt. Ở một số bệnh nhân, vi khuẩn HP hoạt động mạnh có thể gây ra các triệu chứng như:
Triệu chứng loét:
- Đau âm ỉ hoặc đau rát ở bụng. Các cơn đau có thể kéo dài vài phút hoặc vài giờ, nhưng rõ rệt nhất khi bạn đói, dạ dày trống rỗng. Bạn có thể cảm thấy tốt hơn sau khi ăn, uống sữa hoặc uống thuốc kháng axit.
- Đầy hơi, khó chịu
- Chán ăn.
- Buồn nôn, nôn.
Triệu chứng chảy máu:
- Phân có dính máu, màu đỏ sẫm hoặc đen.
- Cảm thấy rất mệt mỏi vô cớ.
- Đau bụng dữ dội.
- Nôn có máu hoặc trông giống như bã cà phê.
- Da nhạt màu.
- Nếu chảy máu nghiêm trọng có thể dẫn đến khó thở, chóng mặt, ngất xỉu. Lúc này bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Triệu chứng ung thư:
- Ợ nóng.
- Đau bụng, sưng bụng.
- Buồn nôn, nôn.
- Chán ăn. Cảm giác no sau khi mới ăn một lượng nhỏ thức ăn.
- Giảm cân không rõ lý do.
3. Nguyên nhân
- Vi khuẩn H.pylori có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với nước bọt hoặc chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh.
- Vi khuẩn HP thường tồn tại ở thực phẩm, nước hoặc dụng cụ sinh hoạt. Tiếp xúc với các tác nhân này có thể là nguyên nhân khiến bạn bị nhiễm vi khuẩn HP.
4. Chẩn đoán
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ lấy một lượng máu nhỏ từ cánh tay hoặc bàn tay của bạn. Mẫu máu sẽ được sử dụng để tìm kháng thể chống lại vi khuẩn HP.
- Kiểm tra phân: Một mẫu phân nhỏ sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích, tìm sự tồn tại của vi khuẩn HP.
- Kiểm tra hơi thở: Bác sĩ sẽ cho bạn uống một chế phẩm có chứa urê. Nếu có vi khuẩn HP, chúng sẽ giải phóng một loại enzyme phá vỡ sự kết hợp này và giải phóng carbon dioxide. Một thiết bị đặc biệt đo hơi thở sẽ tính được nồng độ carbon dioxide.
- Nội soi: Bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra khu vực loét qua camera nội soi. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu từ vùng bị loét trong quá trình nội soi để xét nghiệm.
5. Điều trị
Mặc dù nhiễm vi khuẩn HP khá phổ biến nhưng tin vui là có sẵn các loại thuốc giúp tiêu diệt vi khuẩn HP và giúp vết loét mau lành. Thông thường bệnh nhân sẽ cần sử dụng kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc ức chế axit dạ dày. Các thuốc phổ biến thường là:
- Kháng sinh amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tetracycline hoặc tinidazole.
- Thuốc làm giảm lượng axit trong dạ dày: dexlansoprazole, esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole hoặc rabeprazole.
Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn HP mà không có triệu chứng nào thì không cần thiết phải điều trị.
6. Phòng ngừa
- Thói quen giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ. Cuộc sống càng cải thiện, con người càng sống sạch sẽ và được tiếp cận với nguồn nước sạch thì tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP càng giảm.
- Chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Hạn chế ăn rau sống, gỏi.
- Hạn chế gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát nước chấm. Không mớm đồ ăn cho trẻ nhỏ.
- Mọi người trong gia đình cần sử dụng các vật dụng cá nhân riêng.