5 kinh nghiệm, 4 giải pháp căn cơ đột phá chống dịch "nước rút" năm 2021

D.H
12/11/2021 - 12:33
5 kinh nghiệm, 4 giải pháp căn cơ đột phá chống dịch "nước rút" năm 2021
Trước các chất vấn của ĐBQH tại phiên chất vấn sáng 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin về những bài học kinh nghiệm trong đợt chống dịch vừa qua, cùng với đó là đưa ra các giải pháp đột phá cho hai tháng "nước rút" cuối năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh vẫn phức tạp.

Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể

Trước câu hỏi của ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 kinh nghiệm quan trọng đã giúp cả nước vững vàng trước đại dịch.

Thứ nhất, Thủ tướng cho rằng Chính phủ lấy cách tiếp cận toàn dân để thực hiện, coi người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Từ đó triển khai các chính sách đều hướng đến người dân. Ngược lại, người dân cũng phải tham gia chống dịch một cách chủ động, tích cực.

"Vừa qua, khi bùng phát dịch mạnh ở TPHCM, ta đã lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài. Một số nơi hiểu pháo đài như lô cốt là hiểu sai. Pháo đài là cách làm để tổ chức thực hiện chống dịch hiệu quả" – Thủ tướng nói.

Thứ hai, trong tiếp cận toàn dân có tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Theo Thủ tướng, năm ngoái khi dịch căng thẳng, Chính phủ đề xuất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi. Năm nay, khi tình hình bùng phát mạnh ở TPHCM và miền Nam, đồng chí Tổng Bí thư cũng ra lời kêu gọi hiệu triệu toàn dân chống dịch.

"Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của chúng ta luôn sẵn có – đây là điều mà nhiều nước không có được" – Thủ tướng khẳng định.

Kinh nghiệm thứ ba, theo người đứng đầu Chính phủ, đó là ứng phó linh hoạt đối với những việc làm không có tiền lệ. Đơn cử là thấy thấy năng lực cơ sở y tế yếu nên ngay lập tức điều quân đội công an vào, xây dựng hơn 500 trạm xá di động ở TPHCM khi dịch bùng phát mạnh.

5 kinh nghiệm, 4 giải pháp căn cơ đột phá chống dịch "nước rút" năm 2021 - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội tham gia chống dịch tại TPHCM. Ảnh: VTV

Kinh nghiệm thứ tư, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là khi khi chưa đủ vaccine và biện pháp hành chính thì an sinh xã hội là điều cần phải quan tâm. Theo Thủ tướng, thực hiện tốt an sinh mới khiến người dân yên tâm tham gia chống dịch tốt hơn.

Và kinh nghiệm cuối cùng chính là sự huy động sự giúp đỡ quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong chiến lược vaccine của Chính phủ, khi chúng ta thiếu vaccine, lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tất cả giao dịch đều kêu gọi vaccine với nhiều biện pháp khác nhau.

"Cùng với đó, từ 2020 ta chỉ đạo việc sản xuất vaccine trong nước. Hiện việc này vẫn đang được thúc đẩy. Nói cách khác, ta vẫn đang "đi hai chân" về vaccine" – Thủ tướng nói.

Tập trung gói an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phục hồi

Đối với gần hai tháng cuối năm, trước câu hỏi của một số ĐBQH, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ có một số giải pháp đột phá, căn cơ để tập trung trong khoảng thời gian này.

Trước hết, theo Thủ tướng, tiếp tục thực hiện các việc làm thường xuyên, các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, tập trung chương trình phục hồi kinh tế - nhiệm vụ đột phá. 

Theo Thủ tướng, Chính phủ đang phối hợp tích cực với các cơ quan của Quốc hội để xây dựng chương trình này, theo định hướng: Nâng cao năng lực y tế và xây dựng quỹ phòng chống dịch Covid-19. "Quỹ này sẽ giúp ta chủ động hơn trong sử dụng. Đó là định hướng, còn cụ thể hơn thì phải bàn, thống nhất, được đa số đồng tình thì làm" – Thủ tướng cho hay.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục tập trung hỗ trợ cho con người, đặc biệt là an sinh xã hội. "Chúng ta lấy nội lực là chiến lược cơ bản lâu dài, bao gồm 3 nội dung: Con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Con người vì thế cần được chú trọng trong chiến lược này" – ông nói.

Thứ 3 là về hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao thì cơ bản phục hồi nhanh, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể là đối tượng cần được hướng đến hỗ trợ vào giai đoạn này, trên cơ sở hài hòa hợp lý chính sách tiền tệ, tài khóa, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Và cuối cùng là các giải pháp đầu tư vào hạ tầng. Đây là bài toán mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phân tích kỹ để xác định đầu tư vào đâu, như thế nào để kích thích được kinh tế. Cùng với đó là gói phi tài chính mà theo Thủ tướng là cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm