Từ Bắc vào Nam, ở đâu cũng có những địa điểm du lịch biển đẹp, phù hợp dành cho cả gia đình. Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, biển cũng là địa điểm được nhiều gia đình lựa chọn để bắt đầu một mùa hè đầy sôi động và hứng khởi.
Nhưng biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu bạn không có kỹ năng ứng phó phù hợp, sẽ nguy hiểm đến bản thân và gia đình.
Trang bị các kỹ năng phòng tránh sự cố khi đi du lịch biển dưới đây sẽ giúp bạn có cách đề phòng, xử lý phù hợp, giúp kỳ nghỉ ở biển được an toàn và trọn vẹn.
Đối phó với say sóng
Nếu bạn có ý định tham quan, di chuyển bằng tàu, thuyền trên biển, bạn cần đề phòng say sóng, đặc biệt là khi đi cùng phụ nữ, người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Để hạn chế say sóng, trước hết, cần chọn thời điểm xuất phát lúc sáng sớm hoặc khi trời râm mát, ít nắng. Đặc biệt, không nên đi vào lúc trời mưa giông, tàu bè lắc lư mạnh dẫn đến say sóng.
Khi ngồi trên tàu, thuyền, nên tìm chỗ ngồi ở giữa thân tàu bởi đây là vị trí thoải mái và an toàn, ít bị tác động của những cơn sóng nhất.
Bạn cũng có thể ngồi ngược với hướng tàu đang chạy để đề phòng say sóng. Khi thấy sóng đánh vào mạn thuyền làm thuyền lắc lư, bạn hãy đặt chân xuống giữ vững tư thế, tránh nhìn xuống nước hoặc những vật xung quanh mà hãy nhìn ra xa.
Ngoài ra, đọc sách báo, sử dụng điện thoại, máy tính trên tàu có thể gây chóng mặt, hoa mắt, choáng váng, làm cho bạn dễ bị say sóng.
Nắm vững nguyên tắc khi chơi đùa với sóng
Những con sóng nối tiếp nhau, đặc biệt là sóng mạnh luôn có một sức hấp dẫn riêng đối với những người đi tắm biển. Để đảm bảo an toàn khi vui cùng sóng biển, bạn cần nhớ nguyên tắc: Không quay lưng lại con sóng.
Đây cũng là điều các chuyên gia cứu hộ khuyến cáo những người đi biển, đặc biệt là khi gặp sóng dữ. Nguyên tắc này giúp bạn hạn chế được những tai nạn bất ngờ vì sóng biển có vận tốc di chuyển rất nhanh với cường độ đột ngột, dễ gây tai nạn.
Cách xử lý khi gặp sự cố dưới nước
Nếu không may gặp sự cố khi ở dưới biển, bạn hãy bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở để phổi không bị sặc nước và cố gắng đẩy người nổi lên.
Sau đó, dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước để đầu nhô khỏi mặt nước. Điều này giúp bạn có thể tồn tại dưới nước một khoảng thời gian dài để chờ người đến ứng cứu.
Bạn sẽ làm gì nếu gặp sứa?
Bị sứa cắn là điều quen thuộc mỗi khi đi tắm biển, nhưng xử lý cách gì để không bị ngứa và tổn thương làn da?
Khi bị sứa cắn, bạn hãy dùng nước biển để sát trùng vết thương. Sau đó, dùng những vật nhọn, nhiều góc cạnh như vỏ sò, cát, dao… nhẹ nhàng chà sát để lấy gai độc trên vết thương. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng chanh để sát trùng vết thương và nếu cần thiết, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.
Dấu hiệu nhận biết thiên tai
Hàng năm, tại các vùng biển đều xảy ra các hiện tượng thiên tai như sóng thần, sạt lở…, vì vậy, sẽ không thừa, nếu bạn biết cách và hướng dẫn các bé nhỏ trong gia đình một số dấu hiệu nhận biết thiên tai, để trú chạy khi cần thiết.
Một số dấu hiệu cụ thể là: Những biểu hiện lạ như những con sóng lớn nổi lên một cách đột ngột, nhiệt độ xuống thấp dưới 18 độ C, nước biển đột ngột rút ra xa về phía chân trời, nhiều đàn chim bay hoảng loạn…
Khi gặp một trong những dấu hiệu trên, bạn nên lập tức chạy thật nhanh lên bờ hoặc đồi núi gần đó để bảo đảm an toàn tính mạng.