pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 lưu ý dành cho người nhà khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản
Cũng như các căn bệnh khác, bệnh nhân hen suyễn cần một chế độ chăm sóc đặc biệt. Do đó, người chăm sóc phải được trang bị rất nhiều kiến thức và kĩ năng cần thiết. Vậy khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản, người nhà cần phải lưu ý những điều gì?
Những vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản
Hen suyễn là một căn bệnh có tính chất mãn tính nên thời gian điều trị thường kéo dài. Việc chăm sóc bệnh nhân hen phế quản có vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Việc này đòi hỏi người nhà bệnh nhân phải có kiến thức và sự kiên trì cần thiết. Để chăm sóc tốt cho người bệnh hen suyễn, người nhà cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Tăng khả năng thông khí cho bệnh nhân hen suyễn
Đảm bảo sự thông khí có thể giúp hạn chế và cải thiện các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Đặc biệt là tình trạng phù nề, co thắt và tiết đờm khi lên cơn hen. Do đó, để đảm bảo khả năng thông khí, người nhà bệnh nhân nên áp dụng các mẹo sau:
- Để bệnh nhân nằm nghỉ tại những nơi thoáng khí ở tư thế kê cao đầu.
- Vuốt hoặc vỗ nhẹ ở phần lồng ngực để giúp bệnh nhân thở sâu và ho đúng cách.
- Giúp bệnh nhân hút đờm rãi. Bởi đờm nhiều chính là tác nhân gây ra tình trạng khó thở và khó khạc đờm.
- Cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm hoặc nước ép từ trái cây tươi. Các loại thức uống này sẽ giúp làm loãng đờm và giúp bệnh nhân loại bỏ đờm dễ dàng hơn.
- Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng bình thở oxy đúng cách.
2. Quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng và tinh thần khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản
Bên cạnh thuốc men, dinh dưỡng là một yếu tố cần quan tâm khi điều trị hen suyễn. Bởi một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp tăng cường đề kháng và giảm khả năng tái phát. Chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cho bệnh nhân ăn đủ chất, đặc biệt là nhóm tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin, chất xơ. Ngoài ra, người nhà cũng nên tăng cường thêm rau xanh và trái cây trong khẩu phần của người bệnh.
- Hạn chế cho bệnh nhân ăn nhiều thịt đỏ và mỡ động vật.
- Tránh để bệnh nhân dùng những món ăn gây dị ứng, đồ ăn sống hoặc chế biến sẵn.
- Sử dụng ít gia vị trong quá trình chế biến, nhất là với bệnh nhân mắc suy thận.
Ngoài ra, tâm lý cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh. Bởi stress, căng thẳng kéo dài là tác nhân khiến các cơn hen xuất hiện nhiều và nghiêm trọng hơn. Vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản, người nhà nên thường xuyên trò chuyện và động viên người bệnh trong suốt thời gian điều trị.
3. Cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
Bệnh nhân hen suyễn cần thường chỉ định điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Chẳng hạn như thuốc cắt cơn, thuốc giảm viêm, thuốc xịt dự phòng, thuốc kháng sinh… Ngoài liều lượng và giờ uống thuốc, người nhà cần chú ý theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Khi phát hiện tác dụng phụ, người nhà bệnh nhân cần ghi chép lại và thông báo cho bác sĩ. Đặc biệt là các dấu hiệu khò khè, ho, tức ngực, co cứng cổ và ngực, tím tái, khó nói…
4. Theo dõi sức khỏe của bệnh nhân hen suyễn
Theo dõi và ghi chép nhật ký điều trị là điều cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản. Bởi đó là cơ sở để bác sĩ có thể điều chỉnh phương pháp và các loại thuốc đang sử dụng. Do đó, người nhà nên thường xuyên ghi nhận các vấn đề trong khi điều trị của bệnh nhân như:
- Tác nhân gây cơn hen suyễn.
- Các triệu chứng thường gặp của cơn hen cấp tính.
- Các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng.
- Liều lượng, cách dùng thuốc.
- Tác dụng phụ của thuốc.
5. Nắm vững các phương pháp điều trị dự phòng triệu chứng hen suyễn
Điều trị dự phòng cũng là một bước quan trọng trong quy trình chữa trị bệnh hen suyễn. Sử dụng thuốc corticoid, thuốc giãn phế quản các xịt, hít là các phương pháp quen thuộc của điều trị dự phòng. Trong thời gian điều trị, người nhà cần nhắc nhở bệnh nhân thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là tránh để bệnh nhân tự ý giảm liều thuốc hoặc ngưng dùng thuốc.
Cách cắt cơn hen cấp khi chăm sóc cho bệnh nhân hen suyễn
Các cơn hen cấp của bệnh nhân hen suyễn thường bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như vận động mạnh, quá sức hoặc tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì thì bệnh nhân cũng cần được cách ly khỏi yếu tố gây bệnh. Sau khi đã cách lý, người nhà cần có các biện pháp để cắt cơn hen tức thời.
Nếu là cơn hen vừa và nhẹ, người nhà nên cho bệnh nhân dùng thuốc và tiếp tục theo dõi. Nếu cơn hen nặng hơn, người nhà nên đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, trong quá trình chờ điều trị, bệnh nhân cũng cần sử dụng thuốc để kiểm soát cơn hen. Ví dụ như thuốc giãn phế quản dạng xịt, hít hoặc 1 liều corticoid.
Chăm sóc và điều trị luôn là những yếu tố phải đi đôi với nhau khi điều trị hen suyễn. Mong rằng bài viết đã trang bị thêm cho bạn nhiều kiến thức về chăm sóc bệnh nhân hen phế quản.