5 lý do 'không nên' du học Đức

03/02/2016 - 07:08
Nước Đức có quá nhiều trường đại học, học xong cơ hội tìm việc lại quá dễ, nên theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa thì "đường đến thì rộng mà đường về lắm gian nan".
 
Nước Đức thuộc top 3 những nước được các sinh viên quốc tế chọn làm điểm đến khi du học. Có đến hơn 12% sinh viên từ khắp nơi trên thế giới theo học tại các trường đại học Đức.
Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không khuyên bạn đến du học tại Đức vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, Đức có gần 450 trường ĐH với khoảng 17.500 chuyên ngành đào tạo. Bạn sẽ ong hết cả thủ khi có quá nhiều cơ hội lựa chọn trường học và ngành học cho mình. Chất lượng đào tạo cũng như bằng cấp của Đức lại được khắp nơi trên thế giới công nhận, rõ là phiền.
Đã thế sau khi tốt nghiệp ĐH bạn lại được phép gia hạn lưu trú một năm rưỡi để tìm việc làm. Nước Đức đang khan hiếm nguồn nhân lực nên khả năng bạn xin được việc là rất cao, nhất là những ngành kĩ thuật. Một khi đã tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo thì thu nhập của bạn lại đủ mức để Sở ngoại kiều cho bạn quyền cư trú dài hạn. Và như thế, “hành trình chống lại sự cám dỗ” bắt đầu. Bạn sẽ dễ có nguy cơ trở thành "Việt kiều" bất đắc dĩ và không còn muốn về nước cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Như vậy sẽ thiệt thòi cho Tổ quốc xiết bao. Rồi bố mẹ bạn cũng sẽ buồn vì phải xa bạn.
Sẽ tốt và đơn giản hơn rất nhiều nếu bạn tốt nghiệp ĐH ở một nước mà bằng cấp chẳng nơi nào dưới ánh mặt trời này công nhận có phải là bạn đã không phải đau đầu đấu tranh về hay ở, chẳng phải loay hoay trong đầu với mỹ từ “về nước để cống hiến”.
 Biểu đồ so sánh chi phí du học tại một số quốc gia do ngân hàng HSBC toàn cầu công bố.
Thứ hai, du học Đức hầu hết miễn phí, hoặc nơi nào thu học phí thì cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, chỉ vài trăm euro một học kì. Không những thế, giá cả sinh hoạt phí lại rất phải chăng, tiền nhà (nếu bạn sống trong kí túc xá) và bảo hiểm y tế (dành cho sinh viên) lại được chính phủ Đức hỗ trợ nên giá rất rẻ. Sở ngoại kiều yêu cầu trong tài khoản mỗi năm 8040 Euro nhưng trên thực tế mỗi tháng bạn chỉ cần nhiều nhất 500 Euro là cuộc sống và sinh hoạt đã vô cùng thoải mái (nhiều bạn tất tật các khoản chỉ xài hết có 400 euro/tháng). Đồ ăn thức uống đa phần còn rẻ hơn Việt Nam (đã thế bạn lại không còn phải lo lắng gì về vệ sinh an toàn thực phẩm). Chẳng hạn, một con gà để nấu phở (Suppenhuhn) nặng gần cân rưỡi giá nhiều nhất chỉ khoảng 2 Euro (vị chi 50.000 VNĐ) thừa thãi một nồi phở cho 4, 5 sinh viên xì xụp ngon lành. Và như thế là số tiền vài tỷ bố mẹ bạn dành dụm để đầu tư cho hành trình du học của bạn lại không có cơ hội được dùng đến. Mà tiền để lâu thì cũng dễ bị .... mủn. Để ở nhà thì lo trộm, gửi ngân hàng tiền Việt thì lo mất giá, gửi $ hay Euro thì tuyệt không có lãi. Thêm nữa, tiền một khi không được dùng đến mấy nữa cũng làm giảm động lực kiếm tiền của bố mẹ bạn. Không bị áp lực phải kiếm “tỷ nhớn tỷ bé” chi trả chi phí du học cho bạn nữa, khéo cái sự nhàn quá lại làm cho cuộc sống của bố mẹ thành tẻ nhạt. Mà nhàn quá cũng dễ làm con người ta mệt mỏi,...
Bảng so sánh chi tiết về chi phí du học giữa các nước.

Thứ ba, sang Đức du học mặc dù bạn có thể đăng kí học bằng tiếng Anh nhưng để có thể hội nhập và có cơ hội việc làm sau này, kiểu gì bạn cũng phải học tiếng Đức, một thứ tiếng khó nhằn (thứ tiếng xưa nay thường hay bị ví như thứ tiếng để nói với kẻ thù, thậm chí không ít người còn đùa rằng “chó sủa mạnh thêm tí là thành tiếng Đức”). Người sắp học nghe người mới học dọa thế. Người từ nhiều nước khác đến Đức du học, nay đã thành đạt ở Đức cũng nói thế. Thế nhưng, nếu bạn có "nhỡ" bắt tay vào học tiếng Đức thì xác suất cao là bạn dễ bị thứ tiếng ấy mê hoặc bởi sự phong phú và chặt chẽ của nó. Đã thế, trong khi tiếng Đức với bạn chỉ là tiếng… “mẹ kế” thì với khoảng hơn 120 triệu người dân trên thế giới nó lại là tiếng mẹ đẻ, là một trong 10 ngôn ngữ được nói nhiều nhất trên thế giới. Còn trong 7 nước châu Âu nó là ngôn ngữ chính thức của nhà nước và khu vực (tiếng Đức: 18%; tiếng Anh: 13%, tiếng Italy: 13%, tiếng Pháp: 12%, tiếng Tây Ban Nha: 9%, tiếng Ba Lan: 9%, tiếng Nga: 1%). Tiếng Đức là ngoại ngữ quan trọng thứ hai ở châu Âu, chỉ riêng trong Liên minh châu Âu đã có 63 triệu người sử dụng cái thứ tiếng khó nhằn đó là ngoại ngữ. Và càng ngày lại càng có nhiều người hì hục lao vào cái thứ tiếng đó mới gay. Như thế, ngoài tiếng Anh (đã quá nhiều người biết), bạn lại “bị”/“phải” biết thêm một thứ tiếng nữa, tức bỗng dưng trước mặt bạn lại mở toang thêm một cánh cửa đưa bạn đến với một thế giới mới vô cùng hấp dẫn, dễ làm bạn mê hoặc. Nước Đức chẳng phải cái nôi của triết học, âm nhạc và văn chương đó sao (chẳng phải ngẫu nhiên mà trong Bách khoa toàn thư Encyclopedia Americana dành riêng cho 14 trang Văn học Đức, 13 trang văn học Pháp, 8 trang cho Tây Ban Nha và 6 trang cho văn học Nhật). Nước Đức còn được mệnh danh là “quốc gia của học vấn”. Khoa học công nghệ luôn là thế mạnh của quốc gia này. Và thật đáng tiếc là tiếng Đức lại là ngôn ngữ quan trọng thứ 2 trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Và trong tương lai, chỉ vì biết tiếng Đức mà bạn bỗng dưng “bị lạc bước” vào một thế giới mới, vô cùng kì diệu. Bạn sẽ bị lăn lông lốc từ những đam mê, hiểu biết này sang đến đam mê, hiểu biết khác, một cách không ngừng nghỉ. Thật là mệt quá đi.
(Còn nữa...)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm