pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 nhóm thuốc điều trị thủy đậu đặc hiệu
Điều trị bệnh thủy đậu đúng cách và kịp thời bằng các loại thuốc điều trị thủy đậu thích hợp là rất quan trọng để kiểm soát tốt các hậu quả do bệnh gây nên.
Một số nhóm thuốc điều trị thủy đậu thường được dùng trên thực tế:
1. Thuốc điều trị thủy đậu nhóm kháng virus
Thuốc kháng virus được xem là nội dung chủ yếu nhất trong điều trị bệnh thủy đậu cho người người bệnh. Thuốc điều trị thủy đậu nhóm kháng virus có tác dụng làm giảm nhẹ mức độ của bệnh và rút ngắn thời gian điều trị bệnh ở mức đáng kể. Nhóm thuốc này có ý nghĩa đặc biệt đối với các bệnh nhân có chức năng miễn dịch suy giảm (do bẩm sinh hay do mắc phải).
Loại thuốc kháng virus thường được sử dụng để làm thuốc điều trị thủy đậu theo khuyến cáo là acyclovir với liều hướng dẫn là 200mg, dùng thuốc 5 lần mỗi ngày. Với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, liều lượng của thuốc có thể tăng lên đến mức 10-12,5mg/kg. Thời gian sử dụng Acyclovir là từ 5-7 ngày cho người có miễn dịch bình thường, và lên đến 10 ngày đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Khi sử dụng Acyclovir làm thuốc điều trị thủy đậu, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác nhau như phát ban, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, lú lẫn, ảo giác, buồn ngủ,...
2. Thuốc giảm đau hạ sốt
Bệnh nhân thủy đậu khi mắc bệnh thường sẽ có các biểu hiện đau nhức cơ thể và sốt do tình trạng nhiễm siêu vi gây nên. Vì vậy, để giảm nhẹ các biểu hiện này cho bệnh nhân, thuốc giảm đau hạ sốt cũng rất hay được dùng để làm thuốc điều trị thủy đậu. Trong đó hay sử dụng hơn cả là paracetamol.
Tuy rằng paracetamol là loại thuốc tương đối an toàn và ít gây tác dụng phụ, nhưng người bệnh cũng không nên lạm dụng thuốc để điều trị thủy đậu với mục đích giảm đau hạ sốt bởi với liều cao thì thuốc có thể gây nên tình trạng tổn thương gan.
Người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc để hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 38,5 độ C và khoảng cách tối thiểu giữa hai lần sử dụng nên kéo dài khoảng 4-6 tiếng.
>> Những lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt paracetamol cho trẻ
3. Thuốc điều trị thủy đậu dạng bôi ngoài da
Để phòng chống tình trạng nhiễm khuẩn trên da của bệnh nhân thủy đậu, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da khác nhau. Hay sử dụng nhất là các loại như xanh methylen, hồ nước,...
Những loại thuốc này có tác dụng sát khuẩn bề mặt, phòng chống tình trạng bội nhiễm cho bệnh nhân tại các vị trí nốt phỏng da đã bị vỡ. Vì thế, đối với các nốt phỏng da chưa vỡ, tức là các nốt phỏng da mà bề mặt da che phủ vẫn còn nguyên vẹn và vi khuẩn chưa thể xâm nhập thì việc bôi thuốc là không cần thiết.
4. Giảm ngứa bằng thuốc kháng histamine
Cảm giác ngứa ngáy khó chịu ở bệnh nhân thủy đậu có thể khiến bệnh nhân cào gãi thường xuyên, điều này làm thuận lợi hơn cho việc xuất hiện các tổn thương da. Do đó, để giảm ngứa cho bệnh nhân thì các thuốc kháng histamine cũng có thể được sử dụng để làm thuốc điều trị thủy đậu.
Những thuốc kháng histamine thường dùng trong điều trị thủy đậu là các thuốc kháng thụ thể histamin h1 như chlopheniramin, loratadin,... Khi sử dụng, chúng sẽ ức chế sự gắn kết của histamin trên thụ thể h1, do đó làm giảm các tác dụng của histamine như giãn mạch, gây ngứa,...
Thuốc kháng histamine thường khá an toàn, tuy nhiên người dùng cũng có thể gặp một số tác dụng phụ như chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, ngủ gà, buồn ngủ,...
>> Bạn biết gì về thuốc kháng Histamine
5. Thuốc kháng sinh cho các trường hợp bội nhiễm
Do bệnh thủy đậu gây nên bởi nguyên nhân virus, trong khi đó thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng trên nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn. Vì thế thuốc kháng sinh không được chỉ định thường quy trong điều trị bệnh thủy đậu mà chỉ được dùng khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn xảy ra.
Các thuốc kháng sinh dùng cho bệnh nhân thủy đậu có thể được dùng bằng các dạng bào chế khác nhau (viên uống, tiêm truyền, bôi da) theo đường sử dụng toàn thân hay tại chỗ tùy thuộc vào nơi xảy ra bội nhiễm là ở ngoài da hay các cơ quan khác.
Thông thường, ban đầu thuốc kháng sinh sẽ được lựa chọn dựa theo kinh nghiệm của người thầy thuốc. Nhưng nếu điều trị không đáp ứng thì cần làm kháng sinh đồ để đánh giá, lựa chọn kháng sinh phù hợp.
Trên đây là giới thiệu sơ lược về một số nhóm thuốc điều trị thủy đậu thường được dùng hiện nay. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc điều trị thủy đậu khi chưa được bác sĩ thực hiện đầy đủ các thăm khám và chẩn đoán cần thiết.