Khi chức năng của tuyến giáp bị rối loạn sẽ gây ra các bệnh như cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng, bướu lành tuyến giáp trạng và bệnh ung thư tuyến giáp. Trong đó, biểu hiện phổ biến nhất là u tuyến giáp trạng hay còn gọi là bướu giáp hay bướu cổ nhân.
Các loại u tuyến giáp
U tuyến giáp là bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng từ 50 – 60%, nhất là phụ nữ lớn tuổi.
Trong y học, phân chia tuyến giáp dựa vào chức năng tuyến giáp như cường tuyến giáp hoặc nhược tuyến giáp. Cũng có thể phân chia theo bướu giáp lan tỏa hay bướu giáp nhân. Trong bướu giáp nhân có bướu giáp nhân lành tính, bướu giáp nhân ác tính. Mức độ của bệnh sẽ phụ thuộc vào từng loại bệnh, giai đoạn của bệnh và các biến chứng mà nó gây ra.
Phương pháp điều trị u tuyến giáp
Theo BS Đàm Văn Toại, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện tại, có 5 phương pháp điều trị u tuyến giáp, cụ thể:
- Điều trị theo dõi: Không dùng bất cứ một phương pháp gì để can thiệp vào mà chỉ theo dõi theo định kỳ.
- Điều trị nội khoa: Phương pháp dùng thuốc, chủ yếu dùng hormone tuyến giáp để ức chế nhân.
- Điều trị ngoại khoa: Phương pháp mổ.
- Điều trị phóng xạ: Phương pháp dùng định lượng I-ot phóng xạ 131 để điều trị các nhân tuyến giáp (Phương pháp này hiện nay ít sử dụng).
- Điều trị bằng phương pháp kỹ thuật xâm lấn tối thiểu: phương pháp ít xâm lấn (phương pháp mới được áp dụng).
Đa số các trường hợp u tuyến giáp được khuyến cáo không cần bất cứ một can thiệp y khoa nào, chỉ có một số ít cần có sự can thiệp y khoa với các bướu giáp nhân. Trường hợp can thiệp là những trường hợp có triệu chứng lâm sàng hoặc có thể gây chèn ép, có vấn đề về thẩm mỹ. Với những trường hợp có u ác tính, nghi ngờ ác tính sẽ có sự can thiệp ngoại khoa.
Các bác sĩ sẽ căn cứ vào chức năng của tuyến giáp, yếu tố mà nhân này gây ra phải sử dụng thuốc. Kích thước không phải là yếu tố để sử dụng các phương pháp điều trị.
Phương pháp mổ nhân tuyến giáp là một phương pháp được áp dụng từ lâu ở trên thế giới cùng như Việt Nam. Hiện nay, Hiệp hội Nội tiết của Hoa Kỳ và châu Âu có chung một khuyến cáo, phẫu thuật mổ tuyến giáp chỉ được ưu tiên cho 2 trường hợp là ác tính và nghi ngờ ác tính. Còn lại những trường hợp khác sẽ dùng biện pháp can thiệp kỹ thuật xâm lấn tối thiểu.
Hiện nay, ở Việt Nam có 2 phương pháp được sử dụng nhiều để điều trị u tuyến giáp bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu là: Tiêm cồn tuyệt đối qua da (ưu tiên dùng trong trường hợp bệnh nhân có nang tuyến giáp); đốt điện bằng sóng cao tần (dùng trong trường hợp nang tuyến giáp, u hỗn hợp, u đặc, ít dùng trong trường hợp có nang hơn vì chi phí khá đắt). Các phương pháp kể trên đều phải có chỉ định siêu âm dẫn đường.
Ưu điểm của phương pháp đốt điện bằng sóng cao tần
Điều trị nhân giáp bằng sóng cao tần là một phương pháp mới nhất hiện nay, đây là phương pháp ít xâm lấn. Ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân không phải mổ, không gây mê, không có sẹo sau mổ, ít mất máu, hầu như không có biến chứng, thời gian bình phục của người bệnh nhanh.
Đặc biệt, đối với kỹ thuật này, chỉ đốt đi phần nhân của u tuyến giáp còn giữ lại các tổ chức lành xung quanh tuyến nhân. Với phương pháp này, bệnh nhân hầu hết không phải sử dụng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp sau khi làm thủ thuật, kể cả trước mắt và lâu dài. Phương pháp này được tính là phương pháp an toàn, hiệu quả và có nhiều lợi ích.
Các quy trình khi điều trị bằng phương pháp sóng cao tần
Những trường hợp sử dụng phương pháp này là nhân giáp lành tính, u này có ảnh chức năng của tuyến giáp, gây dấu hiệu cường giáp hoặc cảm giác nghẹn, nuốt vướng hoặc có những vấn đề về thẩm mỹ. Chẳng hạn như nhân nhỏ nhưng lồi ra trước cổ tạo cảm giác không đẹp ở cổ.
Trong quá trình điều trị bằng phương pháp sóng cao tần, bệnh nhân sẽ được bác sĩ gây tê tại chỗ, sau đó sử dụng kim đốt (kim nhỏ) đưa vào khối, thời gian đốt là khoảng 20 – 30 phút, tùy kích thước của nhân. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình tiến hành thủ thuật.
Trường hợp u lớn vẫn có thể sử dụng phương pháp này và số lần đốt sẽ nhiều hơn từ 2 – 3 lần. Những phương pháp này cẩn thận trọng với những người có bệnh lý tim mạch nặng và phụ nữ đang có thai.