Ngực lớn hơn, cảm giác căng tức: do ở giai đoạn mang thai, các tuyến sữa trong cơ thể người mẹ hoạt động, vì thế nhiều bà bầu có cảm giác căng tức ở núm vú, ngực to hơn. Hiện tượng này tuy không nguy hiểm nhưng khiến nhiều mẹ bầu khó chịu. Khi ấy, cách “ứng xử” an toàn với bộ ngực là nên dùng đá lạnh để chườm mát ngực hoặc dùng túi chườm nóng cũng cho kết quả tương tự, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Để tránh cảm giác khó chịu, mẹ bầu giai đoạn này nên sử dụng áo ngực mỏng và kích cỡ lớn hơn.
Nên cho con bú thường xuyên, đều cả 2 bên ngực
Tình trạng tiết sữa non cũng hoàn toàn có thể xảy ra trong giai đoạn này, nhất là vào thời điểm giữa và cuối thai kỳ. Đây là hiện tượng khá bình thường. Khi ấy, bạn chỉ cần dùng khăn mềm thấm sữa và vệ sinh bầu ngực sạch sẽ bằng nước ấm là ổn.
Tuy nhiên trong một vài trường hợp, việc ra sữa non lúc mang thai lại là biểu hiện của tình trạng thai chết lưu, sẩy thai hoặc các mối nguy hiểm khác. Vì thế, nếu ra sữa non kèm theo dấu hiệu đau bụng, ra máu “vùng kín” thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Bà bầu không nên tự tay nặn sữa để hy vọng loại bỏ hết lượng sữa non ra ngoài vì điều này rất nguy hiểm, có thể gây nhiễm trùng hoặc viêm vú, trầm trọng hơn là kích thích tạo nên những cơn co tử cung gây sinh non hoặc sảy thai.
Nứt cổ gà là hiện tượng thường gặp ở vú của những bà mẹ đang cho con bú. Thủ phạm là do khi bú, bé không ngậm hết quầng vú mà chỉ ngậm mớm, hời hợt và khi bú, bé thường kéo, giật mạnh đầu ti. Bạn có thể áp dụng một số mẹo dân gian như dùng chính những giọt sữa mẹ, nước xay lá rau ngót, rượu ngâm hạt gấc để thoa lên núm vú giúp hạn chế đau. Sau mỗi lần bôi thuốc theo chỉ dẫn hoặc áp dụng biện pháp trên, trước khi cho con bú, bạn cần vệ sinh vú thật sạch để tránh nguy cơ ngộ độc cho bé. Không dùng xà bông, mỹ phẩm, nước hoa để bôi lên vùng bị tổn thương, vì sẽ không đem lại hiệu quả. Trong giai đoạn này, cần chú trọng việc thường xuyên vệ sinh bầu ngực, nhất là vùng núm vú bằng cách dùng khăn ấm lau và rửa vú.
Tắc tia sữa: Tình trạng này cần sớm được khắc phục để tránh cảm giác đau đớn và hạn chế nguy cơ viêm nhiễm nặng. Khi bị tắc tia sữa, trước hết hãy massage nhẹ nhàng bầu ngực, kèm theo chườm nóng để bầu ngực mềm hơn, kích thích các tia sữa lưu thông. Ngoài ra, có thể dùng dụng cụ hút sữa để hút sữa khi bé không bú hết, tránh bị tắc tia sữa. Nếu đã thử nhiều cách nhưng không có dấu hiệu tích cực, thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được xử lý khoa học.
Căng sữa hay còn gọi là quá nhiều sữa. Khi bị căng sữa, người mẹ phải chịu đựng cảm giác khó chịu, đau tức ở bộ ngực; trẻ cũng có thể sặc sữa do sữa về quá nhiều, khiến bé không kịp nuốt. Sặc sữa ảnh hưởng đến đường hô hấp, khiến bé hoảng sợ, bỏ bú và thậm chí còn dẫn đến tử vong với những trường hợp nặng. Trong trường hợp này, trước khi cho con bú, bạn nên vắt bớt sữa đầu, nếu vú quá căng sữa thì hãy dùng một chiếc khăn ấm đắp lên bầu ngực, khi đó sữa sẽ tự chảy hoặc việc vắt sữa sẽ trở nên đơn giản hơn, thay vì cảm giác đau rát. Massage ngực trước khi cho con bú cũng là cách để bầu ngực mềm mại hơn, sữa xuống tự nhiên hơn.