pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 sai lầm của cha mẹ khiến trẻ ngang bướng khi ở nhà nhưng tự ti lúc ra ngoài
Có nhiều đứa trẻ như 2 con người hoàn toàn khác nhau khi ở nhà và khi ra ngoài. Khi ở nhà, trẻ tỏ ra cáu kỉnh, không nghe lời và có hành vi chống đối cha mẹ. Nhưng khi ra ngoài, trẻ lại trở nên nhút nhát, sống khép mình, ngại giao tiếp. Có bao giờ các bậc phụ huynh thắc mắc vì sao con mình lại rơi vào trường hợp như vậy? Nguyên nhân chính đến từ phương pháp giáo dục, môi trường sống gia đình.
Nếu không chú ý đến hành vi, cha mẹ rất dễ khiến con mình trở nên tự ti, yếu kém, mặc cảm trong quá trình phát triển. Như vậy khó có thể nuôi dạy nên một đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh, hiểu chuyện. Để giúp con xuất sắc, cha mẹ nên tránh ngay 5 hành vi sau.
1. Mắng con trước mặt người ngoài
Hay quát mắng con trước mặt người ngoài là một trong những hành vi của cha mẹ khiến con ngày càng trở nên tự ti, mặc cảm. Trái tim trẻ non nớt, dễ bị tổn thương nếu bị cha mẹ thường xuyên quát mắng, nhất là mắng trước mặt người thân và bạn bè. Ngay cả khi muốn biện hộ cho những sai lầm của mình, trẻ cũng chẳng dám giải thích vì sợ vẻ mặt tức giận của cha mẹ.
Việc cha mẹ thường xuyên chỉ ra khuyết điểm của con trước mặt người khác khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, không có tiếng nói trong gia đình. Điều này có thể khiến trẻ dần trở nên xa lánh cha mẹ. Ngay cả khi có vấn đề cần chia sẻ, trẻ cũng không thể chủ động nói với cha mẹ và luôn cảm thấy mình rất dư thừa trong gia đình.
2. So sánh trẻ với anh chị em trong nhà
Tình trạng so sánh thường diễn ra trong những gia đình đông con. Đứa trẻ dễ bị cha mẹ so sánh với anh, chị, em của mình. Nhiều phụ huynh cho rằng cách này giúp trẻ có thêm động lực phấn đấu. Trái lại, cách làm này để lại hậu quả lâu dài về tâm lý cho trẻ. Trẻ dễ cảm thấy tự ti, thậm chí đố kỵ với người thân của mình.
Bên cạnh đó, việc so sánh con mình với những đứa trẻ khác cũng gây ra ảnh hưởng tâm lý tương tự. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, điểm số và thành tích học tập của thanh, thiếu niên thường bị ảnh hưởng bởi niềm tin của cha mẹ. Những đứa trẻ ít bị so sánh có xu hướng tự tin và đạt kết quả học tập tốt hơn.
3. Không bao giờ đáp ứng yêu cầu của con
Người lớn tiết kiệm là tốt nhưng cần phù hợp, không nên quá tính toán vì điều này không tốt cho con. Nhiều gia đình rất cân nhắc khi mua thứ này, thứ kia cho con. Chẳng hạn khi con đòi hỏi thứ gì đó, cha mẹ luôn bảo: "Món đồ này rất đắt, không nên mua" hay "Nhà mình không đủ tiền mua nó". Trẻ nhìn thấy bạn bè xung quanh có, còn mình thì không sẽ sinh ra tủi thân, mặc cảm.
Những bậc phụ huynh không bao giờ đáp ứng yêu cầu của con thường có xu hướng trông chờ khi con họ lớn lên và đòi hỏi nhiều thứ từ con. Họ hy vọng sẽ nhận được những lợi ích vật chất và tinh thần từ con. Vì vậy, những áp lực trong cuộc sống của trẻ ngày càng tăng cao.
4. Cấm con bộc lộ cảm xúc
Một trong những nhiệm vụ nuôi dạy trẻ quan trọng là giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc (chỉ số EQ). Khi đó, cha mẹ cần giúp trẻ nhận biết từng loại cảm xúc của con người, thay vì cưỡng chế, cấm con bộc lộ cảm xúc.
Nếu cha mẹ không cho con bộc lộ cảm xúc vui, buồn, tức giận, thất vọng,… trẻ sẽ phải tự kiềm chế và vật lộn vì bị dồn nén. Đến một lúc nào đó, trẻ có thể "phát nổ" và để lại hậu quả khó lường. Vì vậy, cha mẹ nên giúp trẻ được bày tỏ cảm xúc và học cách quản lý tâm trạng. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ những lời khuyên hữu ích khi trẻ rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang trước các vấn đề trong cuộc sống.
5. Thường xuyên phàn nàn con
Nhiều cha mẹ có thói quen phàn nàn con cái. Chẳng hạn, họ sẽ nói: "Tại sao con luôn luôn làm sai?", "Con khiến mẹ phát bực", "Bao giờ con tính sẽ sửa lỗi ngớ ngẩn đó?",… Những lời nói này không mang lại hiệu quả giáo dục. Ngược lại còn khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cha mẹ không chịu tìm hiểu nguyên nhân sự việc mà chỉ luôn bắt lỗi con. Việc cha mẹ nên làm là đặt rõ kỳ vọng và ranh giới để trẻ thực hiện, thay đổi. Nếu trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, hành vi, cha mẹ nên lắng nghe trẻ nói để tìm cách tháo gỡ.