pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 thách thức với tương lai của trẻ em toàn cầu
Trẻ mồ côi do đại dịch.
Nạn thất học
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến 1,6 tỷ trẻ em và thanh niên trên khắp thế giới không thể đến trường. So với trẻ em trai, các bé gái bị mất cơ hội học hành nhiều hơn. 129 triệu trẻ em gái trên thế giới vẫn chưa được đến trường. 1/3 số trẻ em gái trong độ tuổi từ 10 đến 18 ở các quốc gia nghèo nhất thế giới chưa từng được đi học. Ở các vùng nông thôn, 61% trẻ em gái không được học đến bậc trung học cơ sở.
Đại dịch Covdi-19 khiến trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ trở thành lao động trẻ em, chịu đựng bạo lực do phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bị tảo hôn và mang thai.
Số cô dâu trẻ em hiện tại của Nigeria là 22 triệu, chiếm 40% các trường hợp trẻ em gái tảo hôn ở Tây và Trung Phi. Nigeria sẽ có thêm 7 triệu cô dâu nhí từ nay đến năm 2050, nâng tổng số trẻ em gái tảo hôn ở nước này vào thời điểm đó lên 29 triệu trẻ.
Mồ côi
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi đại dịch bùng phát, đã có gần 15 triệu người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến Covid-19, tức gần gấp 3 lần con số được báo cáo chính thức.
Đằng sau những con số thống kê đó là một cuộc khủng hoảng trẻ bị mồ côi cha mẹ chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Gần 10,4 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc vì Covid-19. Tại Mỹ, con số này được ghi nhận chính thức là hơn 214.000 trẻ em nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, việc mất đi người trụ cột trong gia đình có thể đẩy trẻ em vào cảnh nghèo đói, dẫn đến suy dinh dưỡng, hoặc buộc phải bỏ học và đi làm để tự nuôi sống bản thân. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ mồ côi cũng dễ bị xâm hại tình dục và tình cảm hơn.
Lao động trẻ em
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và UNICEF chỉ ra, nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động một cách quyết đoán thì đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột đang diễn ra, đói nghèo gia tăng và biến đổi khí hậu sẽ càng khiến tình trạng lao động trẻ em tăng cao.
Hiện có khoảng 160 triệu trẻ em, tương đương gần 1/10 tổng số trẻ em toàn cầu, đang là nạn nhân của tình trạng lao động trẻ em, tăng 8,4 triệu chỉ trong vòng 4 năm. Ước tính rằng nếu không có các chiến lược giảm thiểu, con số lao động trẻ em có thể tăng thêm 8,9 triệu vào cuối năm 2022 do tình trạng nghèo đói và dễ bị tổn thương gia tăng.
Để củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, ILO và UNICEF khuyến nghị: Cần thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội cho trẻ em; đảm bảo các chương trình an sinh xã hội được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với lao động trẻ em. Mặt khác, lấy những cam kết chính trị mạnh mẽ đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em và thiết lập an sinh xã hội toàn dân làm đòn bẩy nhằm tăng cường sự đồng thuận trong hành động; thúc đẩy đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội dưới góc độ là một động lực của phát triển.
Suy dinh dưỡng
Vừa qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tập trung tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Malabo (Guinea Xích đạo) để giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ngày càng tăng của các nước trong khu vực này, nơi có hơn 280 triệu người suy dinh dưỡng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Ít nhất 16,7 triệu người đang bị đói mỗi ngày và họ không biết khi nào sẽ có bữa ăn tiếp theo.
Tình trạng khẩn cấp do biến đổi khí hậu gây ra trên khắp vùng Sừng châu Phi là đợt hạn hán tồi tệ nhất mà khu vực này từng chứng kiến trong 40 năm qua. Số trẻ em phải đối mặt với điều kiện hạn hán nghiêm trọng trên khắp vùng Sừng châu Phi đã tăng hơn 40%.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2022, số trẻ em phải đối mặt với đói cấp tính, suy dinh dưỡng và chết khát đã tăng từ 7,25 triệu lên ít nhất 10 triệu em. Gần 2 triệu trẻ em trên khắp Ethiopia, Kenya và Somalia cần được điều trị khẩn cấp vì suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Nếu không có mưa trong những tuần tới, con số này sẽ tăng thêm 2 triệu nữa.
Bị bắt nạt trên mạng
Trên khắp thế giới, có khoảng 750.000 kẻ đang ngồi tìm kiếm các hình ảnh, video về tình dục trẻ em. Cũng có khoảng từng đó hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em được đăng tải lên Internet mỗi ngày, trong đó có cả trẻ dưới 2 tuổi. Vấn nạn đã gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khiến dòng khách du lịch tình dục phương Tây không đến được các nước này. Một báo cáo về bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến của Chính phủ Philippines cho biết, số vụ việc đã tăng 264% trong đại dịch.
Theo Tổ chức Giám sát internet (IWF) có trụ sở tại Anh, năm 2021 là năm tồi tệ nhất với 252.000 địa chỉ URL (địa chỉ của một tài nguyên duy nhất trên web) chứa hình ảnh hoặc video trẻ em bị xâm hại tình dục, so với 153.000 URL năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, IWF đã phát hiện 182.000 trường hợp, trong đó có 27.000 trường hợp liên quan đến trẻ từ 7 đến 10 tuổi. Con số này đã cao gấp 3 lần năm 2020. Còn tại Mỹ, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột mỗi ngày phải xử lý 60.000 báo cáo về xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến.