pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 thói quen xấu khiến bạn ngày càng lười biếng
Tất cả những điều lớn lao đều bắt đầu từ những khởi đầu nhỏ bé. Hạt giống của mọi thói quen là một quyết định nhỏ bé, nhưng khi quyết định đó được lặp đi lặp lại, một thói quen sẽ nảy mầm và phát triển mạnh mẽ. Thành công là sản phẩm của những thói quen hàng ngày, chứ không phải những biến đổi chỉ xảy ra một lần trong đời.
Nếu gần đây bạn gặp khó khăn và làm việc không hiệu quả nhưng không biết lý do tại sao, hãy coi đây là một dấu hiệu để bắt đầu xem xét kỹ hơn các thói quen hàng ngày của bạn. Theo các chuyên gia và nhà tâm lý học, đây là một số thói quen phổ biến khiến bạn trở nên lười biếng.
1. Môi trường quá thoải mái
Nghe có vẻ lạ nhưng môi trường quá thoải mái có thể là nguyên nhân khiến cho bạn trở nên lười biếng. Có một lý do tại sao chúng ta cần phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình nhiều hơn. Bởi vì khi chúng ta quá thoải mái, có thể là ở nơi làm việc, với thành tích học tập hoặc xung quanh cùng một nhóm bạn mà chúng ta luôn có, thì chúng ta có thể dễ dàng trở nên lười biếng và tự mãn. Bao quanh chúng ta chỉ với những gì dễ dàng hoặc quen thuộc không cho chúng ta bất cứ lý do hay cơ hội nào để thúc đẩy bản thân trở nên tốt hơn.
Một nghiên cứu của Laura Prazeres, giảng viên của Đại học St Andrews đã phát hiện ra rằng, đối với sinh viên trao đổi nước ngoài ở Berlin, việc rời khỏi vùng an toàn của họ sẽ kích thích sự khám phá bản thân và thay đổi cá nhân nhiều hơn.
2. Nền kinh tế chú ý
Bạn đã bao giờ lãng phí một đến hai giờ vô cớ chỉ để đưa ra quyết định xem đăng ảnh nào lên mạng xã hội hay lướt TikTok chưa? Bác sĩ trị liệu Ralph De La Rosa nói rằng, nếu chúng ta liên tục bị quá tải thông tin từ việc có internet trong tầm tay có thể khiến chúng ta dễ bị trì hoãn và luôn phân tâm. Và nhịp sống nhanh, siêu kết nối khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều có thể dễ dàng khiến chúng ta trở nên lười biếng và thu mình lại. Vì vậy, có lẽ tốt nhất là bỏ qua việc lướt mạng trước khi đi ngủ và thỉnh thoảng hãy tắt điện thoại một chút.
3. Các kiểu suy nghĩ tiêu cực
Theo tâm lý học nhận thức, có rất nhiều kiểu suy nghĩ tiêu cực có thể cản trở nghiêm trọng khả năng hoạt động của một người, làm tổn thương sự tự tin của họ và khiến họ khó cảm thấy có động lực. Đây được gọi là những biến dạng nhận thức, được nghiên cứu đầu tiên bởi nhà tâm lý học Aaron Beck.
Một số ví dụ bao gồm: suy nghĩ tất cả hoặc không có gì (Nếu tôi không đạt được điểm số mình muốn, tôi sẽ hoàn toàn thất bại!); khái quát hóa quá mức (Hôm nay tôi đi làm trời mưa nên tôi đến muộn. Tại sao những điều tồi tệ luôn xảy ra với tôi?); và thảm họa (Người tôi yêu đã rời bỏ tôi, tôi sẽ không bao giờ có thể tìm thấy tình yêu nữa!).
4. Thiếu chăm sóc bản thân
Khi nghiên cứu về cuộc đời của nhà khoa học vĩ đại quá cố Albert Einstein, các nhà viết tiểu sử đã có thể suy luận ra thói quen hàng ngày của ông như thế nào và nhiều chuyên gia năng suất đã sử dụng kiến thức này cùng với các thói quen hàng ngày của những người thành công khác, để áp dụng vào những lời dạy của họ. Nhưng bạn biết phần đáng ngạc nhiên nhất là gì không? Albert Einstein ngủ 10 tiếng mỗi đêm, chợp mắt vào buổi chiều, đi dạo hàng ngày, tập chơi vĩ cầm và dành 2 tiếng mỗi ngày không làm gì khác ngoài việc suy nghĩ.
Mặc dù không phải làm tất cả những gì Einstein đã làm chắc chắn sẽ đảm bảo cho bạn có được thành công, nhưng điều rút ra chính ở đây là tự chăm sóc bản thân là chìa khóa dẫn đến năng suất. Rốt cuộc, thiếu ngủ, lối sống ít vận động, dinh dưỡng kém và thái độ chỉ làm việc mà không vui chơi đều có thể góp phần gây ra cảm giác lười biếng và kiệt sức.
5. Lập kế hoạch, ưu tiên và tổ chức kém
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong danh sách này đó chính là lập kế hoạch, ưu tiên và tổ chức kém - tất cả đều là những kỹ năng sống quan trọng. Và khi chúng ta không trau dồi hoặc coi trọng những kỹ năng này đủ, năng suất của chúng ta thực sự có thể kém đi.
Ví dụ, quản lý thời gian kém dẫn đến việc liên tục bị trễ hạn; trong khi việc không có khả năng lập kế hoạch và tổ chức có thể khiến việc đạt được mục tiêu dài hạn dường như quá sức và không thể.
Theo một nghiên cứu, kỹ năng quản lý thời gian có liên quan chặt chẽ không chỉ với thành tích học tập mà còn với sự hài lòng trong cuộc sống. Vì vậy, việc không biết cách ưu tiên các nhiệm vụ hoặc lập kế hoạch cho mục tiêu của mình có thể là nguyên nhân cản trở bạn phát huy hết tiềm năng của bản thân.