Theo thời gian, những đứa trẻ bé bỏng sẽ phải trải qua những đau khổ của cuộc sống. Việc trải qua những thất vọng chính là một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
“Tại sao chúng ta không thể tạo ra một môi trường hoàn toàn an toàn, như một cái kén, cho đến khi những đứa trẻ của chúng ta đã sẵn sàng để rời khỏi nhà?”, tiến sĩ Sam Goldstein đồng thời là nhà tâm lý học về trẻ em nói: “Bởi vì bạn phải trải nghiệm cả những thăng trầm để phát triển ý thức về bản thân, để có thể xây dựng sự tự tin, biết được bạn đang tốt ở điểm gì và sử dụng chúng để hỗ trợ bản thân. Bạn không thể chỉ biết đến thành công”.
Theo tiến sĩ Goldstein đến từ Mỹ thì chúng ta nên tạo ra “môi trường giả” để cung cấp những kinh nghiệm ứng phó với các trường hợp nguy hiểm. Hầu hết trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 8 đều đã sẵn sàng để đối mặt với những thách thức mới. Đồng thời chúng cũng cần có những cơ hội để thử các hoạt động chưa chắc đã thành công.
Tính khí của đứa trẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc trẻ trải nghiệm sự thất vọng như thế nào. Cha mẹ cũng có thể chuẩn bị cách đối phó với những thời điểm nhạy cảm không thể tránh khỏi này của trẻ thông qua 5 tình huống điển hình dưới đây. Những tình huống này tương đương với 5 thời điểm mà một đứa trẻ trong độ tuổi đi học có thể sẽ phải trải nghiệm sự thất vọng và cách để cha mẹ hộ trợ chúng vượt qua cảm giác tồi tệ đó.
Một điều gì đó xảy ra ngược lại với suy nghĩ và kỳ vọng của trẻ
Đôi khi thế giới có vẻ như không đứng về phía con của bạn. Có rất nhiều trường hợp như vậy như bữa tiệc sinh nhật ngoài trời tuyệt vời bị trì hoãn bởi trời mưa hoặc một đội bóng yêu thích của trẻ bị thua trong một trận đấu lớn. Đây sẽ trở thành một nỗi buồn rất lớn đối với trẻ. Một bà mẹ đã chia sẻ rằng, khi thấy con trai mình buồn rầu vì đội bóng quê nhà bị thua cuộc, cô đã giúp con mình vượt qua sự thất vọng bằng cách nhắc nhở rằng sự yêu mến của con chính là một thắng lợi của đội bóng, và sự mất mát này sẽ chỉ làm cho họ trở lại mạnh mẽ hơn trong mùa giải tới mà thôi. Tiến sỹ Goldstein cũng khuyên rằng: “Tôi cho rằng các bậc cha mẹ nên chỉ ra rằng luôn luôn có một cái gì đó mà con học hỏi được từ một sai lầm, một sự thất vọng hay một nỗ lực bị thất bại”.
Một người quan trọng với những đứa trẻ khiến chúng thất vọng
Đứa trẻ của bạn có một người bạn thân tuy nhiên khi sinh nhật, người bạn thân đó lại không mời con của bạn. Chắc chắn lúc đó chúng sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Đây chỉ là một ví dụ trong vô vàn các trường hợp thực tế khác. Và tiến sĩ Goldstein khuyên rằng khi gặp phải trường hợp này cha mẹ “đừng quá nóng vội mà khuyên trẻ quên chuyện đó. Khi trẻ đau khổ, chúng ta nên nói: ‘Con là một đứa trẻ ngoan và con sẽ tìm thấy những người bạn khác tốt hơn’, hay nói ‘Bố mẹ có thể thấy rằng con đang bị tổn thương và bố mẹ có thể cảm nhận được con cảm thấy nó tồi tệ đến nhường nào”. Trong thực tế, bằng cách thừa nhận cảm xúc của con trẻ, cha mẹ sẽ có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện về tình hình hiện tại và tìm ra giải pháp khả thi. Hãy hỏi trẻ: “Con muốn làm gì với cảm giác đó?”, “Đó có thực sự là những gì con muốn không?” Hãy trò chuyện cởi mở để giúp trẻ quên đi cảm giác thất vọng.
Trẻ không chịu nỗ lực và kết quả là sự thất vọng
Trẻ luôn cho rằng chúng đã cố gắng hết mình. Đôi khi chúng luôn mong đợi những kết quả tích cực bằng những nỗ lực “nửa vời”. Chẳng hạn như, chúng mong có một kết quả học tập tốt thế nhưng lại luôn nỗ lực làm bài về nhà thật nhanh để chơi, hay chúng không muốn bị sâu răng nhưng luôn đánh răng thật ẩu. Thay vì áp đặt con phải trở nên hoàn hảo bằng cách ép chúng học, ép chúng thực hiện như người lớn, hãy cho chúng thử nghiệm những cố gắng của mình. Hãy cho những đứa trẻ học theo cách chúng vẫn hay học, đánh răng theo cách chúng hay đánh. Nếu bị điểm kém, có thể chúng sẽ thất vọng nhưng sau đó chúng sẽ tự nhận ra nỗ lực như vậy là chưa đúng và phải nỗ lực hơn nữa. Nếu chúng bị sâu răng, hãy đưa chúng đến bác sĩ nha khoa, ở đó chúng sẽ thấy đánh răng là một hoạt động đáng để làm cẩn thận mỗi ngày.
Trẻ nỗ lực hết sức nhưng vẫn thất bại
Trong cuộc sống, cũng giống như người lớn, trẻ con cũng sẽ gặp phải những trường hợp mặc dù đã nỗ lực, cố gắng hết mình song chúng vẫn chẳng thể giành được chiến thắng. Trong trường hợp này, cha mẹ nên giúp con mình cảm thấy vui vẻ trở lại và chúc mừng cho người thắng cuộc thay vì buồn bã một mình. Nhưng ngoài ra điều quan trọng hơn mà cha mẹ cần nhớ là hãy chuẩn bị tinh thần cho con trước một kết quả tiêu cực. Tất nhiên là không phải bằng cách nói thẳng với chúng rằng chúng sẽ không thắng mà thay vào đó, theo như tiến sĩ Goldstein, hãy hỏi về kế hoạch dự phòng của chúng. Vì nếu thất bại, chúng sẽ không bị chi phối quá nhiều bởi sự thất vọng này mà sẽ chuyển hướng sang cố gắng cho kế hoạch tới của chúng.
Thất vọng về chính bản thân mình
Ngay cả với người lớn, sự thất vọng với chính bản thân mình khi mắc sai lầm thực sự là một cảm giác rất khó để vượt qua. Tiến sĩ Goldstein khuyên rằng khi trẻ cảm thấy mình thật là sai lầm khi làm một việc gì đó, và tỏ ra tự trách bản thân thì cha mẹ hãy cho trẻ thấy những sai lầm trước đây, kinh nghiệm để vượt qua nó của bạn và bạn đã làm thế nào để tha thứ cho chính mình. Bên cạnh đó, đừng quên nhấn mạnh rằng những sai lầm là một phần quan trọng và bình thường của cuộc sống. Tiến sĩ Goldstein nói: “Trẻ em sẽ rất cảm kích người mà họ có thể học hỏi kinh nghiệm và chúng sẽ nhìn nhận một sai lầm như một cơ hội để học hỏi và lên kế hoạch để làm làm một điều khác”.