Run tay: Thực tế, không ít người thường xuyên bị run tay không kiểm soát được. Trong trường hợp này, có thể nguyên nhân là do bạn đã thu nạp một lượng quá lớn đồ ăn, thức uống chứa nhiều caphein. Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc trị bệnh hen suyễn, thuốc chống suy nhược cũng có thể gây run tay. Tuy nhiên, nếu run tay không rõ nguyên nhân có thể là một dấu hiệu sớm cảnh báo về bệnh parkinson. Bệnh này ảnh hưởng tới hệ thần kinh như các rối loạn cử động cơ của cơ thể. Vì thế, bạn đừng chần chừ mà hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra để có kết luận rõ ràng và biện pháp xử lý thích hợp.
Khi có dấu hiệu run tay hãy nhanh chóng đến gặp bác sỹ để được kiểm tra và điều trị
Móng giòn và yếu: Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do cơ thể bạn đang thiếu hụt một lượng kẽm nhất định. Theo GS David E.Bank thuộc Trung tâm Da liễu New York (Mỹ), kẽm là một vi chất quan trọng tham gia quá trình phát triển và phục hồi các tế bào da, đồng thời giúp móng tay trở nên khỏe, cứng cáp hơn. Nếu móng tay không được khỏe thì trong thực đơn ăn uống hằng ngày, bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu kẽm như các loại hạt, hải sản, hàu, thịt nạc…
Da tay bong tróc: Nếu da tay bạn bị bong tróc, đóng vảy thì cơ thể dễ bị thiếu vitamin nhóm B. Minh chứng khoa học cho thấy, các loại vitamin nhóm B như niacin hay vitamin B3 và biotin, vitamin B7 đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe của làn da. Trong những trường hợp gặp rắc rối do da bong tróc, bạn có thể sẽ được bác sĩ chỉ định bổ sung nhóm các loại vitamin B để cải thiện tình hình và tham gia tích cực vào quá trình tái tạo collagen cho làn da cũng như cơ thể. Bên cạnh đó, trong chế độ ăn uống hằng ngày, bạn không nên bỏ qua những thực phẩm giàu niacin như cá, đậu phộng, nấm, trái bơ, cá ngừ…
Da tay bong tróc có thể là khi cơ thể lên tiếng báo hiệu thiếu vitamin nhóm B
Da tay khô, ngứa và mẩn đỏ: Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và loại trừ nguyên nhân mắc chứng bệnh eczema (chàm). Nếu kết luận cho thấy bạn không mắc phải căn bệnh da liễu trên thì đều đặn hằng ngày, bạn hãy sử dụng kem dưỡng ẩm da tay có bổ sung hàm lượng vitamin A hoặc có thể dùng viên nang vitamin E thoa trực tiếp lên đôi tay để giúp các tế bào da được cung cấp dưỡng chất, trở nên mềm mại hơn. Khi tình trạng da khô của đôi bàn tay được khắc phục thì những rắc rối như ngứa và mẩn đỏ cũng sẽ nhanh chóng “rút lui”.
Móng có màu xanh: Thông thường móng tay khỏe mạnh sẽ có màu trắng nhưng nếu móng tay của bạn chuyển từ màu trắng sang xanh và đỏ thì rất có thể bạn đang mắc phải hội chứng Raynaud. Tình trạng này thường gặp vào những ngày mùa đông giá lạnh, nguyên nhân là do đôi bàn tay và chân của bạn bị lạnh sẽ chuyển sang màu xanh tím tái, có thể đi kèm với cảm giác đau, nhói và ngứa. Thủ phạm gây nên tình trạng trên là do quá trình lưu thông máu bị cản trở hoặc phổi bơm không đủ oxy vào máu để cung cấp cho toàn bộ cơ thể, ngón tay không nhận đủ máu chứa oxy. Để khắc phục tình trạng đó, bạn nên đeo găng tay giữ ấm các chi, tránh stress, ngâm chân tay vào nước ấm trước khi đi ngủ để kích thích máu lưu thông.
Chú ý quan sát máu sắc trên bàn tay và móng tay để biết cách chăm sóc cơ thể hợp lý
Chấm đồi mồi xuất hiện: Nguyên nhân của tình trạng này là do bạn thiếu quan tâm đến việc bảo vệ đôi bàn tay khỏi sự tấn công của ánh nắng mặt trời. Trong ánh nắng mặt trời luôn có sự hiện diện của tia cực tím gây hại cho da. Nếu da không được bảo vệ nhờ sự che chắn của kem chống nắng, găng tay, mũ nón rộng vành thì tình trạng da sạm đen, nhanh lão hóa, dễ xuất hiện chấm đồi mồi là điều khó tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng trên khá khó khăn, vì thế tốt nhất “nên phòng hơn chữa”. Cụ thể, bạn cần thực hiện các biện pháp bảo vệ da trước khi ra ngoài trời nắng.