6 bước cơ bản để cùng con học nói

31/07/2015 - 15:53
Trong quá trình học nói, số lượng từ của bé sẽ tăng lên rất nhanh nhưng việc phụ huynh cùng bé nói về cuộc sống xung quanh mới vô cùng quan trọng để phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ.

Tốc độ ghi nhớ và phát triển ngôn ngữ của 1 đứa trẻ có thể khiến bạn “chóng mặt”. Nếu 9 tháng bé còn chưa nói sõi được 1 từ thì chỉ vài tháng sau, bé đã có thể bập bẹ 50-100 từ khác nhau. Cứ vài tháng, số lượng từ lại tăng gấp đôi, gấp ba. Khi vào mẫu giáo, vốn từ của bé đã lên đến hàng ngàn từ.

1. Hiểu ngôn ngữ riêng của trẻ

Từ khi chưa biết nói, bé đã có ngôn ngữ riêng của mình để giao tiếp với mọi người bằng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và các âm thanh là nguyên âm. Một số bậc cha mẹ bỏ qua các câu chuyện của bé, thay vào đó, họ muốn con nghe họ nói. Nhưng chính các nguyên âm đó giúp thính giác của não bộ em bé nhận ra nhóm nguyên âm-phụ âm. Nhiều bé sử dụng những tiếng ê a ấy cho đến sinh nhật thứ 2 của mình. Bé không chậm nói hay khó nói nếu như hào hứng dùng âm thanh nói chuyện với người thân.

2. Gọi tên mọi vật

Một trong số những cách mà cha mẹ giúp trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi học ngôn ngữ là thông qua cách gọi tên mọi vật. Bắt đầu chỉ là tên “con gà”, “cái bàn”, “hoa hồng”, “trời mưa”…, sau đó là lời giới thiệu “Đó là chiếc xe đẩy của con”, “Chiếc mũ thật đáng yêu”… hoặc dẫn dụ bé quan tâm điều mình nói "Hãy nhìn vào mặt trăng", “Con xem cái gương của mẹ này”…

Đây là cách phát triển ngôn ngữ của bé nhanh nhất, giúp bé hiểu sâu sắc hơn về mọi vật xung quanh, quan tâm tìm hiểu về nó và chụp ảnh chính xác nó trong não bộ gắn liền với các thông tin về nó.

Vai trò của phụ huynh cùng bé nói về mọi điều xung quanh là vô cùng quan trọng để phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ.

3. Nói - ảnh tĩnh - ảnh động

Đó là mô hình học ngôn ngữ hiệu quả nhất trong 2 năm đầu của bé. Ngôn ngữ gắn liền với hình ảnh cụ thể, thu hút bé bằng cách chuyển động liên tục của hình ảnh, khiến não bộ bé phải hoạt động.

4. Tập nói cùng nhiều người

Các nhà nghiên cứu của ĐH Iowa (Mỹ) phát hiện ra rằng, khi 14 tháng tuổi, trẻ em không học một từ mới nếu chỉ nghe thấy một người duy nhất nói, ngay cả khi từ đó được lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này lý giải rõ ràng hơn việc bé được tiếp xúc với nhiều người, được đi nhà trẻ, mẫu giáo sẽ nói tốt hơn. Bởi nghe nhiều người nói cho trẻ cơ hội để nghe cách phát âm như nhau với nhiều tiếng nói có âm sắc khác nhau, giúp bé giao tiếp nhanh hơn với mọi người.

5. Phát âm chuẩn

Trẻ em nói ngọng líu ngọng lô nghe rất dễ thương nhưng đó là vì con chưa quen và chưa học được cách phát âm đúng. Thế nên cha mẹ hãy dạy bé nói đúng, không khuyến khích con nói ngọng như nói bằng giọng của con. Bé sẽ dễ dàng học được cách phát âm chuẩn nếu được uốn nắn ngay từ đầu, thay vì để bé tự do nói theo cách của mình.

6. Mở rộng vùng ngôn ngữ

Từ các từ đơn lẻ, hãy giúp bé ghép câu để ngôn ngữ phát triển hơn. Nếu con nhìn thấy quả táo và nói sõi “quả táo", bạn có thể hướng dẫn bé nói thêm: "Đúng rồi, một quả táo to, màu đỏ”, hay “Ăn quả táo rất ngọt và thơm”…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm