pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 cách giúp cải thiện tình trạng chán nản, không có động lực học ở trẻ
Có nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết nên làm thế nào để tạo động lực cho con mình biết cố gắng hơn. Họ thử nhiều phương pháp khác nhau nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vì sao trẻ không có động lực, dưới góc độ khoa học?
Trẻ không có động lực làm những việc bản thân không thích là điều hiển nhiên, nhưng nếu không có động lực để làm bất cứ điều gì thì đó là vấn đề đáng lo ngại. Có rất nhiều lý do khiến trẻ như vậy nhưng "lười biếng" không nằm trong số đó.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, việc thiếu động lực có liên quan tới sự tác động không đủ của chất dẫn truyền thần kinh tên là dopamine. Những thứ có thể làm giảm hiệu quả của chất dopamine bao gồm:
- Căng thẳng.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Từng bị tổn thương bởi ngược đãi, bạo lực, sự mất mát bởi cái chết của người thân.
- Trầm cảm.
- Sử dụng chất kích thích.
Con cái không có động lực làm bất cứ thứ gì, cha mẹ cần làm gì?
1. Tìm hiểu xem trẻ có thực sự không hứng thú với bất cứ điều gì hay không
Cha mẹ hãy tìm hiểu xem con mình không hứng thú với mọi thứ, hay chỉ với một số thứ bị người lớn ép buộc phải quan tâm.
Nếu trẻ không thích làm bài tập hoặc làm việc nhà nhưng lại hào hứng với các hoạt động khác như trò chuyện, vui chơi thì vấn đề tạo động lực rất dễ được giải quyết. Ngược lại, nếu trẻ không muốn làm bất cứ thứ gì, đặc biệt trong vấn đề vệ sinh cá nhân thì có một lý do khác đằng sau, cha mẹ cần tìm hiểu.
2. Quan sát trạng thái tinh thần của trẻ
Nếu trẻ thiếu động lực trong mọi việc, cha mẹ hãy dành thời gian quan sát hành vi của con mình và tìm kiếm các dấu hiệu liên quan tới trầm cảm, lo lắng.
Trong trường hợp cha mẹ nghi ngờ con mình có vấn đề về tâm thần, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.
3. Chú ý tới các hành vi của trẻ
Cha mẹ hãy quan sát xem con mình có nghiện thứ nào đó hay không. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần quan tâm việc con mình có bị lạm dụng hay bị bạo lực học đường không.
Đôi khi trẻ quá sợ hãi nên không dám nói cho cha mẹ biết các vấn đề của mình hoặc đang bị đe dọa. Nếu rơi vào trường hợp này, trẻ thường không có động lực học hành.
4. Kiểm tra khả năng tập trung của trẻ
Những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường có biểu hiện lười biếng và thiếu động lực.
Không phải mọi đứa trẻ mắc ADHD đều có triệu chứng tăng động. Một số trẻ mắc ADHD rất khó phát hiện bệnh, do đó thường không nhận được sự giúp đỡ khi cần.
Thiếu tập trung cũng có thể là một triệu chứng của bệnh trầm cảm. Cha mẹ có thể yêu cầu giáo viên của con mình quan sát trẻ có bất kỳ tình trạng bất thường nào trong lớp không.
Những phương pháp tạo động lực thường không hiệu quả đối với trẻ mắc chứng ADHD hoặc trẻ mắc chứng rối loạn học tập.
5. Giảm căng thẳng trong cuộc sống của trẻ
Căng thẳng là vấn đề phổ biến nhất đối với những đứa trẻ không có động lực. Một trong những nguyên nhân gây căng thẳng phổ biến nhất là do trẻ phải đối mặt với sự cằn nhằn, la mắng của cha mẹ mỗi ngày.
Tình trạng này xảy ra một cách đáng báo động khi đại dịch xảy ra, trẻ phải ở nhà học trực tuyến. Khi trẻ bị căng thẳng trong thời gian dài, chúng sẽ dần mất hết hứng thú với mọi thứ.
Các nghiên cứu xác nhận rằng, tự chủ là nhu cầu bẩm sinh của con người. Trẻ sẽ không có động lực để làm mọi thứ nếu vẫn bị cha mẹ kiểm soát việc học và gây căng thẳng cho chúng.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, khi trẻ bị cha mẹ giúp đỡ quá nhiều, thường xuyên giám sát và đưa ra quyết định thay sẽ khiến trẻ ngày càng kém cỏi, mất tự tin. Điều này cũng gây ra sự căng thẳng khiến trẻ không có động lực cố gắng. Việc cha mẹ buông tay trong một số giai đoạn là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì cũng phần nào khiến trẻ gặp nhiều áp lực. Đây là lúc cha mẹ nên giảm bớt sự căng thẳng cho con mình bằng cách lắng nghe, thấu hiểu nhiều hơn.
6. Cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Tình bạn không phải là kiểu quan hệ duy nhất có thể khiến con cái căng thẳng và ảnh hưởng đến hành vi. Mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng rất quan trọng. Việc cha mẹ hạn chế cằn nhằn, la mắng khi trẻ học cũng có thể cải thiện được phần nào tình trạng chán học của trẻ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ khơi dậy được động lực bên trong của trẻ, chúng sẽ thay đổi ngày một tốt hơn.