pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 cách khôn ngoan đối phó với những người hay phán xét
Đối phó với những người hay phán xét không bao giờ là dễ dàng. Sự tiêu cực của họ có thể ảnh hưởng, khiến bạn trở nên suy sụp. Dưới đây là những cách khôn ngoan để bạn đối phó với người hay phán xét.
1. Chọn không để lời nói của họ gây tổn hại đến mình
Marcus Aurelius từng nói: “Chọn không bị tổn hại và bạn sẽ không cảm thấy bị tổn hại”. Nói một cách dễ hiểu thì hành vi của một người hay phán xét chỉ có thể ảnh hưởng đến bạn khi bạn cho phép.
Giả sử bạn gặp ai đó và họ phán xét rất nhiều về bạn, gia đình bạn hoặc bạn bè của bạn. Họ lôi ngoại hình, công việc của bạn ra để chỉ trích, chê bai con cái bạn hoặc những người bạn quan tâm. Đa phần, chúng ta sẽ cảm thấy tức giận vì bị xúc phạm, muốn phản ứng lại ngay để bảo vệ những người mình yêu thương, thậm chí là tấn công lại họ. Tuy nhiên, có một lựa chọn tốt hơn và đó đơn giản là không để lời nói của họ ảnh hưởng đến bạn.
Hãy suy nghĩ về những gì họ đang nói và tự hỏi bản thân xem bạn có thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm nếu những lời tương tự đến từ một đứa trẻ nhỏ. Nếu một đứa trẻ 5 tuổi nói rằng trông bạn thật buồn cười, xấu xí, bạn có buồn hay cảm thấy bị xúc phạm không? Đơn giản là để những lời nói đó vào tai này chui qua tai khác, kiểm soát cảm xúc của bạn và không cho phép bản thân cảm thấy khó chịu về ý kiến đó.
2. Tránh phản ứng lại họ hoặc lời nói của họ
Điều đầu tiên cần làm ở đây là hãy tự hỏi vì sao bạn cảm thấy cần phải phản hồi sự phán xét, chỉ trích đó. Nếu một người đang phán xét bạn, nó phản ánh về con người họ, hiếm khi liên quan đến bạn.
Ví dụ: Một người gặp vấn đề với cân nặng của mình có thể lên án người khác là béo.
Nếu ai đó đang chỉ trích bạn, điều tốt nhất bạn có thể làm là giữ bình tĩnh để suy nghĩ sáng suốt hơn. Bạn có cần đáp lại những gì họ nói không? Họ có đang cố tình phán xét để bạn phản ứng lại không?
Hãy thể hiện ngôn ngữ cơ thể trung lập, chú ý vào người khác thay vì họ. Điều này sẽ khiến những người phán xét phải hiểu rằng ý kiến của họ đơn giản là không hề quan trọng và bạn sẽ không lãng phí năng lượng cho cuộc trò chuyện vô ích đó. Thay vì phản ứng lại những gì họ nói, sẽ khôn ngoan hơn khi bạn cho họ biết rằng những điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với bạn.
Nếu họ tiếp tục chỉ trích bạn, ngày càng trở nên khó nghe hơn, hãy đứng dậy và rời đi. Đừng giải thích cho họ lý do bạn rời đi, vì điều đó chính là sự thừa nhận những gì họ đã nói. Chỉ đơn giản là rút lui khỏi mớ hỗn độn đó.
3. Cố gắng nhìn qua đôi mắt trung tính
Đầu tiên và cũng quan trọng nhất là hãy xác định xem họ là người như thế nào. Đó có phải người bình thường khá tốt bụng, gần đây phải trải qua biến cố khó khăn nào đó không? Có phải họ bực bội với chuyện khác nhưng lại không thể là gì và chọn cách trút giận sang những hướng khác?
Thứ hai, hãy cố gắng xác định lý do tại sao bạn cảm thấy khó chịu trước thái độ phán xét của họ. Bạn có đang cảm thấy bất an về ngoại hình, sự nghiệp, lựa chọn cuộc sống của mình hoặc những chủ đề khác mà họ phán xét không? Liệu sự nhạy cảm của bạn có khiến họ phản ứng mạnh hơn mức cần thiết không?
Ví dụ: Mối quan hệ hôn nhân của bạn đang ở bên bờ vực thẳm và bạn chưa thể nói điều này với bất kỳ ai. Nếu người phán xét đó bắt đầu chỉ trích những người đã ly hôn, bạn có thể cảm thấy khó chịu và trở nên nhạy cảm hơn. Trước đây bạn không để tâm đến điều đó nhưng vào thời điểm này, điều đó thật đau đớn.
4. Nghĩ xem bản thân có thể rút ra bài học nào không
Nếu bạn có thể giải tỏa cảm xúc để không rơi vào trạng thái tức giận, hãy dừng lại một chút để nghĩ xem xét những gì họ nói có điều gì là sự thật không.
Ví dụ: Họ đưa ra những lời đầy phán xét về việc ngôi nhà của bạn bừa bộn thế nào. Thay vì nhanh chóng cảm thấy tức giận, hãy thử nhìn xung quanh xem liệu điều họ nói có cơ sở không. Bạn có thể sẽ nhận thấy ngôi nhà của mình thực sự bừa bổn hơn những gì bản thân vẫn nghĩ.
Để đối mặt và thừa nhận điều đó thật không dễ dàng nhưng có thể là một cơ hội để bạn hoàn thiện mình. Đừng cảm thấy tổn thương và cố tìm cách gây tổn thương lại họ bằng cách nói: "Bạn thấy ngôi nhà này như một mớ hỗn độn ư? Chắc bạn không biết mình bốc mùi như vạn năm không tắm". Họ làm tổn thương bạn, bạn muốn làm tổn thương lại họ, điều đó thực sự không giúp ích được gì mà còn khiến tình hình leo thang.
5. Nhìn sâu xa hơn về sự phán xét đó
Nếu đó là một thành viên trong gia đình mà bạn yêu mến, hãy tìm hiểu xem hành vi của họ bắt nguồn từ đâu. Bạn thậm chí có thể giúp họ vượt qua vấn đề khiến họ trở nên phán xét tiêu cực như vậy. Đây là cách dùng sự yêu thương để vô hiệu hóa hành vi phán xét. Sự tử tế của bạn sẽ làm tiêu tan tất cả những gì tiêu cực trong lời phán xét đó và họ cũng sẽ không biết phản ứng lại thế nào với sự tích cực của bạn.
Đừng tham gia vào trò chơi của họ và đừng trả lời một cách thô lỗ. Nếu mục tiêu của bạn là tiếp tục mối quan hệ với người này, bạn chỉ cần bình tĩnh rút lui và cho họ vài ngày để bình tĩnh cũng như suy nghĩ lại xem có muốn thảo luận lại mọi thứ hay không. Nếu họ sẵn sàng thảo luận cởi mở về những gì đã xảy ra, hai bên có thể chia sẻ với nhau trên tinh thần xây dựng. Nếu họ lại bắt đầu phán xét, hãy tạo ra khoảng cách với họ và cân nhắc xem liệu bạn có thực sự muốn dành thời gian quý báu của mình cho họ.
6. Chia sẻ quan điểm một cách rõ ràng và rời đi nếu điều đó không phát huy tác dụng
Nếu người đó không hiểu ra câu chuyện khi bạn đã cố tình rời đi, bạn cần nói rõ mọi chuyện với họ. Hãy nói rằng bạn không muốn nghe những lời chỉ trích đầy phán xét của họ. Bạn sẵn sàng dành thời gian cho họ nếu họ có thể những điều tử tế. Họ cần học được rằng bạn sẽ không chịu đựng được những điều vô nghĩa đó từ họ.