6 cái Tết trong bệnh viện

07/08/2015 - 15:32
Đưa bàn tay gầy gộc đếm từng ngón, anh Trần Tiến Sơn (50 tuổi, quê Bình Phước) giật mình: “Còn mấy ngày nữa là Tết rồi à? Vậy mà, 6 mùa xuân trôi qua, tôi đã đón Tết trong bệnh viện”.

Kể từ khi anh Sơn mắc căn bệnh suy thận mãn tính, gia đình anh không có một cái Tết theo đúng nghĩa. Nhìn anh nhỏ thó, nằm bệt trên giường, chỉ còn một cánh tay có thể cử động được, không ai có thể tưởng tượng được rằng trước đây anh từng là một người cao lớn, khỏe mạnh. Với thể trạng hiện nay, Tết này chắc chắn anh Sơn sẽ phải ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để điều trị và chạy thận.

 Suốt 6 năm qua, ao ước một lần được về quê đón Tết của anh luôn khao khát. Năm trước, anh nhớ gia đình quá nên định trốn về. Nhưng khi vừa lên xe đò thì anh vội vàng bước xuống rồi buồn bã quay trở lại bệnh viện. Anh Sơn tâm sự: “Tôi chỉ muốn được về thắp nén hương cho ông bà nhân ngày Tết, gặp lại bà con láng giềng vì không biết mình còn “cầm cự” được bao lâu nữa. Nhưng quê ở xa, bệnh thì nặng, đi giữa đường không kịp chạy chữa thì nguy. Lỡ có mệnh hệ gì, khổ cả vợ con”.

Chị Nguyễn Thị Dung chăm chồng tại bệnh viện Chợ Rẫy

Để tiện chăm sóc chồng, chị Nguyễn Thị Dung (45 tuổi) đã chuyển lên Sài Gòn thuê nhà trọ sinh sống. Năm đầu tiên đón Tết trong bệnh viện, vợ chồng anh tủi thân lắm. Anh nhớ lại: “Lúc Giao thừa, tôi cứ trốn mãi trong phòng, không dám đi đâu cả. Tôi sợ ra ngoài, sợ nhìn thấy pháo hoa, cảnh gia đình người ta quây quần đầm ấm mà mình thì buồn tủi. Mãi đến khi đứa cháu nội gọi điện thoại chúc mừng năm mới, chúc ông chóng hết bệnh thì tôi mới biết Tết đã về với gia đình mình”.

Rồi chẳng đợi chúng tôi gợi chuyện, anh Sơn say sưa kể về cái Tết mấy năm trước của gia đình: “Giờ này nếu tôi còn khỏe mạnh ở nhà, vợ chồng tôi đang tất bật chuẩn bị đón Tết đấy. Ngày 23 tháng Chạp thì tiễn ông Táo lên trời, sau đó làm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Khoảng 27 tháng Chạp thì tôi cùng vợ xuống thị trấn mua cây mai vàng, mua thêm mấy chậu bông vạn thọ rồi sắm cho các cháu bộ quần áo mới. Công việc sơn sửa, trang trí nhà do tôi đảm trách, còn vợ thì làm thịt con gà, gói bánh tét. Không khí xuân chộn rộn, háo hức lắm”.

Đến nay, bệnh của anh Sơn phải kiêng khem đủ thứ, nhất là thức ăn nhiều đạm, vì thận sẽ phải làm việc nhiều. Thế nên khi đón Tết trong bệnh viện, chị Dung cũng không chuẩn bị gì nhiều. Chị vừa lấy lọ thuốc xoa bóp chân cho chồng vừa kể: “Gọi là Tết nhưng làm giản tiện thôi. Vài cái bánh tét, ít bánh kẹo, cây trái, khúc chả giò là đủ để 2 vợ chồng ăn Tết”. Nghe vợ nói, anh Sơn thở dài: “Thôi mình đừng kể nữa, làm tôi nhớ Tết quê quá trời nè”. Hai vợ chồng nhìn nhau rồi bùi ngùi, ai cũng muốn giấu đi nỗi buồn mà nước mắt cứ chực trào khi nhớ lại những kỷ niệm ấm áp xưa.

 

Mong ngày gia đình đoàn tụ!

Căn bệnh suy thận mãn tính khiến sức khỏe anh Sơn suy kiệt nhanh đến ngỡ ngàng. Trong căn phòng trọ chật hẹp thuê với giá 2,5 triệu đồng/tháng, hằng ngày chị Dung đều tranh thủ dậy sớm đi bộ mua thức ăn tại chợ tự phát gần đó, rồi về nấu cho chồng. Mỗi tuần, anh Sơn phải chạy thận nhân tạo 3 lần, mỗi ca chạy khoảng 4 giờ với chi phí 500.000 đồng/lần, chưa tính tiền thuốc, dịch truyền, máu…. Nếu trong tuần không chạy thận thì anh sẽ bị tăng huyết áp, nhiễm độc toàn thân, suy tim, có thể bị tử vong. Vì vậy, lịch chạy thận của chồng luôn được chị Dung lên danh sách thật chi tiết, cụ thể.

Giờ đây, anh Sơn không thể làm được việc năng nhọc nên tất cả mọi chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, viện phí ngót nghét 10 triệu đồng/tháng đều do chị Dung tự xoay xở, lo liệu. Trong 6 năm qua, chị đã phải bán đi mảnh đất vườn hơn 200 triệu đồng để chạy chữa cho chồng. Còn 2ha điều đang thu hoạch sẽ dùng để lo tiền thuốc men, viện phí trong thời gian sắp tới. Trên giường bệnh, anh Sơn tự hào nhắc đến người con trai thứ 2 tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM vừa xin được một công việc tốt, lương cao và hết lòng hiếu thảo với cha mẹ.

Nắm chặt bàn tay chồng, chị Dung mỉm cười: “Con mình đã trưởng thành, khôn lớn rồi, anh ráng vững tâm chống chọi, chiến đấu với bệnh tật. Có khỏe thì năm sau gia đình mới có được cái Tết đoàn viên ấm cúng chứ. Không chừng còn được bồng cháu nội nữa đấy”. Nghe vợ nói, anh Sơn gật gù tâm đắc: “Ừ, đúng rồi đấy. Tôi phải chóng hết bệnh mới được”. Nhìn anh chị tay trong tay hạnh phúc khi nói về những ước mơ rất đỗi bình dị, tôi chợt nhớ câu triết lý trong tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hy sinh”. Dường như, có một sức mạnh vẫn luôn tồn tại làm động lực để thắp lên ngọn lửa chiến đấu với bệnh tật, đó chính là tình yêu, sự chia sẻ ngọt bùi của vợ chồng họ.

Ngày cận Tết, ở đâu đó, những mầm non đang khẽ nhú, gió xuân tràn về báo hiệu một khởi đầu mới. Dẫu đón Tết ở bệnh viện thì với anh Sơn - chị Dung, mỗi giây phút được sống bên nhau đều quý giá và hạnh phúc biết nhường nào.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM)

Được sự chỉ đạo của ngành y tế TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã chuẩn bị kế hoạch “trực chiến” từ rất sớm. Đến nay, Bệnh viện đã sẵn sàng trực cấp cứu cho bệnh nhân 24/24, bảo đảm dự trữ đủ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm trong các ngày Tết.

Đối với người bệnh còn điều trị nội trú, chúng tôi sẽ tổ chức thăm hỏi và tặng quà Tết để động viên, chia sẻ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các bệnh nhân điều trị bệnh và vui vẻ đón xuân mới.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm