pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 loại rau củ chứa đầy độc tố có thể gây ung thư, thiệt mạng nhưng nhiều người vẫn ăn
1. Cà chua xanh
Tuyệt đối không nên ăn cà chua chưa chín. Bởi cà chua khi còn xanh có chứa lượng lớn các yếu tố "alkaloid" và nó chỉ giảm dần rồi biến mất khi cà chua đã chín đỏ. Nếu ăn cà chua xanh sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng khi bị ngộ độc cà chua xanh là buồn nôn, nôn mửa, tiết nước bọt, yếu sức, mệt mỏi và các triệu chứng khác... thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
Vì vậy, với những quả cà chua màu xanh lá cây chưa chín, tuyệt đối không nên thưởng thức.
2. Khoai tây mọc mầm
Nhiều người khi thấy khoai tây mọc mầm vì tiếc thường sẽ chỉ cắt bỏ phần mầm đi và tiếp tục dùng. Tuy nhiên điều này là sai lầm, ăn khoai tây mọc mầm vào cơ thể sẽ dễ bị ngộ độc. Chất độc có trong khoai tây mọc mầm là solanin. Solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể.
Qua nghiên cứu, chất solanin phân bố trong củ khoai tây mọc mầm như sau:
- Trong mầm khoai và chân mầm: 420-730mg trong 100g;
- Trong vỏ khoai: 30-50mg trong 100g;
- Trong ruột khoai: 4-7mg trong 100g.
Như vậy, lượng chất độc chủ yếu chứa trong mầm khoai, còn trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm.
Triệu chứng ngộ độc do ăn khoai tây mọc mầm thường có các biểu hiện như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, có hiện tượng giãn đồng tử và liệt nhẹ hai chân. Trường hợp nặng có thể gây tử vong do hệ thần kinh trung ương bị tê liệt làm trung tâm hô hấp không hoạt động được, đồng thời gây ngừng tim do cơ tim bị tổn thương.
Tuy nhiên, do lượng solanin trong củ khoai tây không đáng kể nên chuyện ngộ độc solanin nặng do ăn khoai tây chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt do ăn quá nhiều khoai tây và ăn cả mầm khoai.
Dù vậy, mọi người tốt nhất không nên ăn những củ khoai tây mọc mầm. Trường hợp củ khoai mới nảy 1-2 mầm nhỏ, nếu bỏ cả đi thấy phí thì phải bỏ hết mầm, khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ để loại bỏ hết chất solanin tập trung ở đây rồi mới được nấu ăn.
3. Gừng thối, dập
Gừng là một loại thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu thấy gừng bị thối, nhũn dập thì không nên ăn bởi khi ấy gừng đã không còn an toàn.
Khi gừng bị thối, dập sẽ sản sinh ra một loại độc tố có tên gọi safrole. Đây là loại độc tố mạnh, khi vào cơ thể, ruột rất dễ hấp thụ loại độc tố này và nhanh chóng chuyển đến gan, gây nên trúng độc tế bào gan. Nếu thường xuyên ăn gừng thối, dập có thể dẫn đến bệnh ung thư gan, ung thư thực quản.
4. Lá đại hoàng
Mặc dù đại hoàng thường được bán với cả lá nhưng chỉ có thân cây là phần duy nhất ăn được. Một lần, trong Thế chiến I, những chiếc lá đại hoàng bị nhầm là nguồn thực phẩm ở Anh, dẫn đến người dân bị đầu độc.
Lá đại hoàng có chứa nhiều oxalate nhất trong cây. Cơ thể tích tụ quá nhiều oxalate sẽ dẫn tới tình trạng có tên là oxalate niệu, lúc này cơ thể sẽ bài tiết phần oxalate dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Bên cạnh đó việc dư thừa oxalate có thể khiến các tinh thể calci oxalate xuất hiện ở các cơ quan nội tạng, dễ dẫn tới sỏi thận và là một trong những nguyên nhân có thể gây ra suy thận sau này.
Các triệu chứng của ngộ độc lá đại hoàng nhẹ bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, nhưng tự hết sau vài giờ. Những trường hợp ngộ độc nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện đau họng, khó nuốt, buồn nôn, nôn (thậm chí nôn ra máu), tiêu chảy, và đau bụng. Nếu ngộ độc rất nghiêm trọng sẽ dẫn tới suy thận, mất cảm giác, giật cơ, và co cơ.
5. Bí đỏ già, để lâu
Bí đỏ chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, nếu lưu trữ trong thời gian dài dễ khiến bên trong bí đỏ xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.
6. Dưa muối còn xanh
Không nên ăn dưa muối khi còn màu xanh, có vị cay hăng. Do dưa còn màu xanh chưa dịu dễ chứa nhiều nitrosamin có thể gây ung thư. Chỉ nên ăn dưa khi đã ngả sang màu vàng tươi, chua, giòn và có mùi thơm.