6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà

Anh Dũng
04/11/2020 - 13:40
6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà
Việc chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà vô cùng quan trọng vì nó có tác động rất lớn đến quá trình điều trị và diễn tiến của bệnh.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay COPD là một bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Vì là một căn bệnh mãn tính nên người bệnh sẽ phải chung sống suốt đời với việc phổi chặn các luồng khí làm cản trở việc thở, hô hấp bình thường. Việc chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà cũng theo đó mà trở nên quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến diễn tiến của bệnh.

Dưới đây là những nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc bệnh nhân COPD tại nhà để có thể tăng cường chất lượng cuộc sống và hạn chế những tiến triển xấu của bệnh.

1. Hạn chế gây tiếng ồn và đảm bảo bệnh nhân COPD ngủ đủ giấc

Những cơn ho có đờm, ho dai dẳng và khó thở ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tình trạng này kéo dài liên tục có thể gây nên sự mệt mỏi quá mức và khiến bệnh nhân thường xuyên mất ngủ về ban đêm. Ngủ không đủ giấc sẽ khiến bệnh tình ngày càng nặng và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà - Ảnh 2.

Cần đảm bảo ngủ đủ giấc, bố trí không gian phòng ngủ ít tiếng ồn cho người bị COPD (Ảnh: Internet)

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng nếu được ngủ đủ giấc, tình trạng mệt mỏi ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ được cải thiện. Đi kèm với đó là những tác dụng tăng sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch, nâng cao khả năng chống chọi với bệnh tật.

Do đó, để chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà, người thân nên tạo không gian thoải mái, tránh gây tiếng ồn hay bật đèn sáng để người bệnh có thể ngủ ngon giấc hơn.


2. Chế độ dinh dưỡng hằng ngày hợp lý

Ngoài việc đảm bảo giấc ngủ thật tốt cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính, chế độ dinh dưỡng hằng ngày cũng là một nguyên tắc cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh COPD tại nhà. Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng cũng nên kiêng ăn để hạn chế các cơn ho khan, khó thở với bệnh nhân.

6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà - Ảnh 3.

Cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng và bổ sung chất xơ thay vì bữa ăn giàu đạm hay nhiều gia vị cay nồng (Ảnh: Internet)

Các loại thực phẩm nên hạn chế ăn bao gồm các loại tôm, cua, cá tanh, các loại rau có tính lạnh, các loại gia vị cay và muối, đồ ăn mặn. Mặt khác, một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin, protein và chất xơ có lợi cho sức khoẻ nên được bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày như các loại thịt đỏ, thịt trắng, đậu đỗ, pho mát, sữa chua, rau lá xanh...

3. Hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá

Đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, việc bỏ thuốc lá là ưu tiên cấp thiết hàng đầu để có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Để hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá, người nhà có thể tham khảo một số biện pháp như sau:

- Không để những đồ vật như gạt tàn, thuốc lá, bật lửa... ở trong tầm mắt của người bệnh.

- Thay thế thói quen hút thuốc bằng các thói quen lành mạnh khác như chơi cờ, thể dục, thể thao...

- Bổ sung các món ăn nhẹ tốt cho sức khoẻ để hạn chế các cơn thèm thuốc.


4. Xử lý cơn hen cấp tính

Một trong những nguyên tắc quan trọng không thể bỏ qua khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà là phải biết cách xử lý khi có những cơn hen, cơn khó thở cấp tính. Để xử lý kịp thời, người chăm sóc cần nắm rõ những bước như sau:

- Tìm tư thế giúp người bệnh thoải mái nhất. Thông thường bệnh nhân COPD sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi ngồi. Do đó có thể để người bệnh ngồi thẳng, lưng dựa vào tường hoặc thành ghế để giúp phổi nở ra và dễ thở hơn.

6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà - Ảnh 4.

Bệnh nhân bị COPD sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi ngồi (Ảnh: Internet)

- Loại bỏ các tác nhân kích thích dị ứng như khói thuốc, thức ăn...

- Chuẩn bị bình thuốc xịt để bệnh nhân tự dùng theo đúng liều lượng và nhịp thở.

- Ngay cả khi bệnh nhân đã cảm thấy tốt hơn, vẫn nên đưa tới cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi tình hình sức khoẻ và điều trị kịp thời nếu có tình huống xấu xảy ra.

5. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, không khói bụi

Trên thực tế, các cơn khó thở cấp tính đều đa phần là do tác nhân dị ứng từ môi trường sống xung quanh. Do đó, việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ là một điều rất cần thiết cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính.

Để đảm bảo không khó sạch sẽ, hạn chế tối đa các tác nhân dị ứng gây bệnh như bụi bẩn, khói thuốc, lông thú, nấm mốc... bạn cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và quét dọn, hút bụo lúc người bệnh không có ở nhà. Ngoài ra, sử dụng quạt hay máy điều hoà không khí cũng góp phần lọc sạch không khí trong nhà, hạn chế các tác nhân gây ho và khó thở.

6. Tập luyện các bài tập thể dục nhẹ nhàng

Người chăm sóc có thể tìm hiểu các bài tập thở để hướng dẫn bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thực hiện nhằm cải thiện tình trạng khó thở. Bên cạnh đó, cùng tham gia những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe cũng sẽ làm tăng sức đề kháng và tăng cường sức khỏe người bệnh.

6 nguyên tắc cần ghi nhớ khi chăm sóc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại nhà - Ảnh 5.

Người chăm sóc có thể tìm hiểu các bài tập thở để hướng dẫn bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thực hiện nhằm cải thiện tình trạng khó thở (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính vỗ rung vào lồng ngực hoặc lưng phía sau phổi một cách nhịp nhàng. Phương pháp này sẽ làm tăng khả năng tống đờm ra khỏi các phế quản. Có thể sử dụng gạch để kê cao một đầu giường lên 20cm sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn. Tuy nhiên, không nên áp dụng cách này cho người bị cao huyết áp hoặc tim mạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm