6 nguyên tắc sống còn để đương đầu với hack tài khoản trực tuyến

13/09/2015 - 17:39
Để truy cập vào tài khoản Internet Banking, tốt nhất nên sử dụng máy tính cá nhân tại nhà và hạn chế tối đa máy tính, mạng không dây công cộng.
Với nhiều tiện ích, Internet Banking (dịch vụ ngân hàng qua internet) đã thu hút đông đảo khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, không ít người vẫn nghi ngại về những “lỗ hổng bảo mật” có thể khiến họ bị mất tiền oan.

Hiện có 42 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking để phục vụ nhu cầu của khách hàng, với các tiện ích như: Truy vấn thông tin, chuyển khoản trong ngân hàng, gửi tiết kiệm trực tuyến, vay trực tuyến… Điều hấp dẫn của dịch vụ này là chỉ cần 1 đường truyền kết nối mạng và thiết bị truy cập (máy tính xách tay hoặc điện thoại...), khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Dịch vụ này “bùng nổ” cùng với sự gia tăng trưởng số người dùng smartphone trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, sự “vô tư” của đa số khách hàng với dịch vụ này bị tác động mạnh khi cách đây ít lâu, thông tin về lỗ hổng bảo mật có tên “Trái tim rỉ máu” (Heartbleed) được lan truyền rộng rãi. Khi ấy, rất nhiều người đã vội vã rút hết tiền trong tài khoản vì lo sợ tài khoản bị hack và số tiền có trong đó bị tin tặc chiếm đoạt.

Khi nghi ngờ thông tin cá nhân bị lộ, bạn cần liên hệ ngay với ngân hàng để được xử lý kịp thời. Ảnh minh họa: Theo Shutter Stock

Để bảo đảm an toàn cho các giao dịch qua internet, giới chuyên gia khuyến cáo một số điểm mà người sử dụng Internet Banking cần lưu ý:

Trước hết, phải cẩn trọng với máy tính nơi công cộng. Để truy cập vào tài khoản Internet Banking, tốt nhất nên sử dụng máy tính cá nhân tại nhà và hạn chế tối đa máy tính, mạng không dây công cộng. Việc sử dụng máy tính tại nơi công cộng, khi có nhiều người ở gần cũng có thể khiến bạn bị lộ mật khẩu truy cập và chỉ chừng đó thôi là có thể dẫn tới rất nhiều phiền toái.

Tuy vậy, việc sử dụng máy tính ở một nơi an toàn không đồng nghĩa với việc loại trừ hẳn nguy cơ bị lộ mật khẩu. Đổi mật khẩu sớm nhất có thể khi vừa nhận được thông tin kích hoạt dịch vụ để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng Internet Banking, đó là điều bạn rất nên làm. Khi sử dụng, bạn tránh cài chế độ lưu mật khẩu lúc trình duyệt đề nghị. Khi đặt mật khẩu, không dùng các ký tự dễ đoán như ngày sinh, số điện thoại, tên những người trong gia đình. Mật khẩu nên gồm các ký tự cả chữ hoa, chữ thường, con số và ký tự đặc biệt. Cần phải lập tức thoát khỏi Internet Banking khi đã tiến hành thao tác xong và đóng cửa sổ trình duyệt.

Việc lựa chọn những website thanh toán uy tín để giao dịch cũng là điều bạn cần lưu ý. Hacker có thể dễ dàng lấy thông tin (tên, số tài khoản, số thẻ tín dụng…) khi bạn khai báo trên các trang web không uy tín. Trước khi quyết định mua sản phẩm từ một website nào đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin về website ấy.

Các email spam cũng là “đối tượng” cần tránh xa trong mọi trường hợp. Tuyệt đối không nhấn kết nối với những đường link mà các thư điện tử này gửi tới, nhất là khi các spam mail gửi đến bạn những lời mời chào hấp dẫn, những sản phẩm khuyến mãi, đồng thời yêu cầu người dùng khai báo thông tin tài khoản và đặt mua hàng...

Trong trường hợp có những nghi ngờ thông tin cá nhân của mình đã bị lộ, bạn cần liên hệ ngay với ngân hàng để được bộ phận hỗ trợ xử lý kịp thời.

Cuối cùng, một việc cần làm là đăng ký sử dụng dịch vụ bảo mật OTP. Với dịch vụ này, nếu tên tài khoản và mật khẩu của bạn bị lộ thì hacker cũng không thể đăng nhập được vào hệ thống tài khoản ID, bởi không có mã xác thực OTP (chỉ được gửi tới đúng số điện thoại mà bạn đã đăng ký bảo mật với ngân hàng. Mỗi mã xác thực chỉ có giá trị sử dụng 1 lần, trong khoảng thời gian hạn chế). Chế độ bảo mật này vẫn duy trì ngay cả khi bạn bị mất điện thoại.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm