6 thói quen độc hại này đang phá hủy mối quan hệ của bạn

NGUYỄN HƯỜNG
19/05/2022 - 19:00
6 thói quen độc hại này đang phá hủy mối quan hệ của bạn
Dưới đây là 6 thói quen nhiều người vẫn làm mà không biết chúng độc hại và đang dần phá hủy thứ bạn yêu mến.

1. Ăn thua với nhau

Đó là khi ai đó liên tục đổ lỗi cho bạn về những sai lầm trong quá khứ. Khi hai người cùng ăn thua kiểu này, mối quan hệ đó sẽ biến thành trận chiến xem ai là người khiến đối phương mệt mỏi hơn.

Tại sao nó độc hại?

Điều này sẽ ngày càng một đi xa hơn khi một hoặc cả hai người dùng những hành động sai trái trong quá khứ để cố gắng biện minh cho hiện tại. Bạn không chỉ đang làm chệch hướng vấn đề mà còn nuôi dưỡng cảm giác tội lỗi và cay đắng từ quá khứ, khiến đối phương cảm thấy tội lỗi. Cuối cùng, cả hai sẽ tìm cách để chứng minh rằng bản thân ít đáng trách hơn đối phương thay vì cố giải quyết vấn đề hiện tại.

Thay vào đó, hãy giải quyết từng vấn đề. Nếu cách đây 1 năm, điều gì đó khiến bạn rất phiền lòng, bạn nên giải quyết nó từ lúc đó.

2. Không chia sẻ cảm xúc của mình

Đó là thay vì nêu mong muốn hoặc suy nghĩ của mình thì bạn muốn đối phương phải tự tìm ra và hiểu. Thay vì nói những gì thực sự khiến bạn khó chịu, bạn lại tìm những cách để chọc giận đối phương rồi lấy cớ phàn nàn họ.

Tại sao nó độc hại?

Điều đó cho thấy hai bạn không thoải mái khi giao tiếp cởi mở và rõ ràng với nhau.

Thay vào đó, hãy bộc lộ cảm xúc và mong muốn của bạn một cách cởi mở.

3. Đe dọa

Đó là khi một người đưa ra những lời chỉ trích hoặc phàn nàn và đe dọa chấm dứt. Ví dụ: Nếu ai đó cảm thấy bạn lạnh nhạt với họ, thay vì nói "Anh thấy gần đây em lạnh lùng với anh”, họ lại nói “Anh không thể yêu một người cư xử lạnh lùng như thế được”.

Tại sao nó độc hại?

Cách hăm dọa này sẽ đẩy vấn đề ngày một đi xa hơn, một trục trặc nhỏ bỗng trở thành vấn đề rất lớn. Điều quan trọng đối với cả hai người là chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không đe dọa đến mối quan hệ.

Thay vào đó, hãy hiểu rằng việc giận dỗi hay không thích điều gì đó ở đối phương là chuyện hết sức bình thường. Tình yêu chỉ có thể bền chặt khi hai người có thể hiểu nhau, chia sẻ và trao đổi thẳng thắn mà không chỉ trích hay phán xét, đe dọa nhau.

4. Đổ lỗi cho đối phương vì cảm xúc của riêng bạn

Đó là khi bạn vừa có một ngày tồi tệ và nửa kia của bạn không biết chuyện gì đã xảy ra. Bạn muốn 2 người ở nhà cùng nhau và xem một bộ phim hay nhưng người ấy lại có kế hoạch đi ra ngoài và gặp gỡ bạn bè.

Bạn thấy điều đó thật vô tâm và tàn nhẫn. Bạn đã có một ngày rất tồi tệ nhưng họ lại không hề thèm quan tâm. Lẽ ra họ phải tắt điện thoại đi và hủy mọi kế hoạch của mình, vỗ về cảm xúc của bạn.

Tại sao nó độc hại?

Đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình là một dạng của sự ích kỷ. Khi bạn đặt ra tiền lệ rằng đối tác của bạn phải chịu trách nhiệm về cảm giác của bạn mọi lúc, bạn đang tự tạo ra xu hướng dựa dẫm vào người kia. Khi một trong 2 cảm thấy không ổn, tất cả chỉ còn lại trách nhiệm làm cho nhau cảm thấy tốt hơn. Vấn đề lớn nhất của việc phát triển khuynh hướng phụ thuộc này là chúng gây ra sự oán giận.

Thay vào đó, bạn nên chịu trách nhiệm về cảm xúc của chính mình và mong đợi đối tác của bạn có trách nhiệm với cảm xúc của họ. Mọi sự hy sinh nên được thực hiện tự nguyện thay vì bạn được kỳ vọng phải làm thế.

5. Coi ghen tuông là yêu thương

Đó là khi bạn bực bội với việc đối tác của mình trò chuyện, gọi điện, nhắn tin, đi chơi với người khác và tiếp tục trút cơn giận lên người bạn đời của mình, cố gắng kiểm soát hành vi của họ. Điều này thường dẫn đến các hành vi vô nghĩa như cố tìm cách đăng nhập vào tài khoản của đối phương, xem tin nhắn khi họ đang tắm, thậm chí là theo dõi họ…

Tại sao nó độc hại?

Thật lạ lùng khi một số người coi ghen tuông như vậy là cách thể hiện yêu thương. Họ nghĩ rằng nếu đối tác của họ không ghen thì điều đó có nghĩa là không yêu mình. Sự thật thì ghen tuông chỉ truyền đi thông điệp về sự thiếu tin tưởng nửa còn lại.

Thay vào đó, hãy tin tưởng nửa kia của bạn. Ghen có thể là gia vị cho tình yêu nhưng ghen tuông thái quá và hành vi kiểm soát là không nên. Nếu không, bạn chính là tự tay đẩy người ấy ra xa khỏi mình.

6. Dùng tiền để xử lý vấn đề

Đó là bất cứ khi nào xảy ra xung đột trong mối quan hệ, thay vì giải quyết nó, chúng ta che đậy bằng cảm giác tốt khi mua được một thứ gì đó hoặc đi du lịch ở đâu đó.

Tại sao nó độc hại?

Đó không chỉ là che giấu vấn đề giữa hai người mà còn tạo ra tiền lệ không lành mạnh trong mối quan hệ. Thử tưởng tượng một người đàn ông luôn chọn cách “giải quyết” vấn đề là mua cho vợ thứ gì đó đẹp. Điều này không chỉ tạo động cơ cho người phụ nữ vô thức tìm thêm lý do để khó chịu với chồng mà còn khiến người đàn ông mất đi động lực thực sự chịu trách nhiệm trong mối quan hệ.

Thay vào đó, hãy giải quyết vấn đề. Đôi bên cần giao tiếp với nhau, chia sẻ với nhau để hiểu đối phương thực sự nghĩ gì, làm sao để xây dựng lại niềm tin đã bị phá vỡ… Không có gì sai khi bạn làm những điều tốt đẹp cho người khác sau một trận chiến hay cuộc tranh cãi nhưng đừng biến những món quà thành cách giải quyết vấn đề tình cảm, che đậy vấn đề thực sự của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm