Trong tuần qua, liên tiếp các vụ tai nạn hy hữu xảy ra như: Cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị chú mắc bệnh tâm thần phân liệt dùng dao cắt đứt dương vật; một công nhân làm việc ở xưởng gỗ tại tỉnh Hà Nam, bị máy cắt gỗ cắt đứt rời bàn tay; người chồng ở Lào Cai bị vợ cắt "của quý" nhưng đến cấp cứu muộn, đã không thể nối lại…
GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: Bệnh viện từng nối lại nhiều bộ phận cơ thể như tứ chi, tai, dương vật bị đứt rời… Trong đó, đáng lưu ý nhất là dương vật, bởi đa phần vụ cắt đứt dương vật đều có chủ đích, có thể do vợ đánh ghen, trả thù chồng nên sẽ phi tang, cố ý hủy hoại bộ phận sinh dục. Nhiều trường hợp dương vật bị cắt và vứt xuống sông, băm nhỏ, thậm chí xả trôi dưới bồn cầu… Dương vật không những không được bảo quản đúng cách, lại bị “phá hủy”, buộc sẽ phải tái tạo một dương vật mới. Các trường hợp may mắn tìm thấy bộ phận bị đứt lìa và bảo quản đúng cách, chuyển lên bệnh viện kịp thời, tỷ lệ ghép nối thành công rất cao. Sau ca ghép, bệnh nhân tiếp tục phải phục hồi chức năng.
Các bác sĩ đang thực hiện nối lại dương vật bị đứt rời |
Như trường hợp báo PNVN đưa tin, anh Sùng Văn T. (SN 1988) ở bản Nậm Hán, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, bị vợ cắt phăng “của quý”. Tuy sức khỏe của anh T. đã hồi phục nhưng “cậu nhỏ” không thể nối lại được do anh đến bệnh viện quá chậm.
GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, đối với dương vật hay bộ phận cơ thể như tay, chân, bị đứt rời, thời gian phẫu thuật nối lại tốt nhất, phải trước 6 giờ kể từ thời điểm bị đứt rời, tránh tình trạng bộ phận đó bị hoại tử do không được cung cấp máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dù muộn, các bác sĩ vẫn cân nhắc để ghép nối vì ít ra cũng giúp các quý ông đứt "của quý" bớt mặc cảm. Việc phục hồi chức năng của bộ phận đứt lìa phụ thuộc nhiều yếu tố như mức độ tổn thương và chức năng của các bộ phận đó.
Các bước sơ cứu và bảo quản chi đứt lìa:
* Đối với bệnh nhân:
- Rửa vết thương bằng nước chín nguội hoặc dung dịch sinh lý mặn.
- Băng vết thương bằng vải sạch hay gạc vô trùng.
- Cho bệnh nhân nằm nghỉ trong khi chờ chuyển viện.
- Đối với bàn tay, ngón tay, chỉ cần băng ép lên vết thương là đủ, nếu đứt lìa tay chân thì cần làm thêm garô để tránh chảy máu. Cần làm đúng kỹ thuật: Dùng băng hay dây vải quấn vài vòng phía trên mỏm cụt khoảng 10 cm, đút một cây gỗ và xoắn vài vòng cho đến khi máu ngưng chảy, không siết quá chặt. Ghi nhận giờ (thời điểm) làm garô và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu đi xa, cần xả garô 5 phút cho mỗi 90 phút.
* Đối với phần chi đứt lìa:
- Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước chín nguội. Không được rửa bằng xà phòng hay hóa chất.
- Quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào một túi nhựa mỏng, cột miệng túi lại.
- Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Chuyển tất cả theo nạn nhân. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là không để chi tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.
Lưu ý: Thời gian vàng để cứu sống được phần chi bị đứt lìa là 6 tiếng, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.