pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 đối tượng nên tầm soát ung thư phổi hàng năm
Anh T.N (42 tuổi, Vĩnh Phúc) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhận kết quả mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Anh N chia sẻ, anh có triệu chứng ho húng hắng kéo dài vài năm nay nhưng anh không đi khám. Khi ho nhiều anh N mua thuốc giảm ho về uống. Chỉ đến khi có triệu chứng ho nhiều, đau tức ngực anh N mới đi khám và nhận được kết quả mắc ung thư phổi.
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở cả nam và nữ giới. Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới.
Theo BSNT.BSCKI Phạm Đình Phúc, khoa Ung thư Tổng hợp, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, ung thư phổi thường không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển hoặc di căn xa, lúc này việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Số liệu thống kê về ung thư phổi cho thấy 56% bệnh nhân ung thư phổi trên thế giới được chẩn đoán ở giai đoạn IV – khi bệnh đã di căn. Tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14.4%, và có 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này. Tỷ lệ sống 5 năm sau chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối ước tính chỉ 6.3%.
Ung thư phổi là căn bệnh ác tính nhưng có thể điều trị hiệu quả nhờ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Để phát hiện ung thư phổi sớm, theo khuyến cáo mới của Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) năm 2022, những người có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi dưới đây nên tầm soát ung thư phổi hàng năm.
- Tuổi từ 55 – 77 tuổi, hút thuốc lá trên 30 bao - năm, đang hút thuốc hoặc đã cai thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây;
- Tuổi ≥ 50 tuổi, hút thuốc lá trên 20 bao – năm, có các yếu tố nguy cơ khác;
- Người hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc lá từ người khác trong thời gian dài);
- Người làm việc trong môi trường chứa các chất độc hại (Asen, Amiang, Niken, Silica…); Phơi nhiễm với Radon;
- Người có tiền sử gia đình, trong nhà có người mắc ung thư phổi;
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý phổi mạn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, xơ phổi…;
- Người có tiền sử mắc ung thư khác: U lympho, ung thư bàng quang, đầu cổ… nên tầm soát ung thư phổi.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, mọi người nên tầm soát sớm bệnh ung thư phổi cho đối tượng có nguy cơ cao (lớn tuổi, tiền sử hút thuốc hơn 30 bao năm) bằng cách chụp cắt lớp điện toán xoắn ốc (liều thấp) để phát hiện sớm các tổn thương nhỏ ở phổi.
Bác sĩ Phúc cho biết, không phải ai tầm soát cũng mắc ung thư phổi. Nếu có hình ảnh bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm thêm các kiểm tra thăm dò cần thiết để có kết quả chính xác.
Trường hợp người bệnh được phát hiện và chẩn đoán sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội điều trị sớm, tối ưu hơn để gia tăng thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các triệu chứng của ung thư phổi thường rất mờ nhạt do vậy khi bệnh nhân có triệu chứng bệnh thường đã ở giai đoạn muộn. Để phát hiện ung thư phổi sớm cách tốt nhất là tầm soát ở những nhóm người có nguy cơ cao.