pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 hiệu ứng tâm lý dễ khiến bạn đưa ra quyết định sai lầm
1. Quy luật Yerkes-Dodson
Động lực là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu không có động lực, chúng ta khó lòng đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, theo quy luật của Mitchkes Gian Dodson, nếu bạn có quá nhiều động lực, năng suất của bạn sẽ giảm.
Ví dụ, một vận động viên có quá nhiều động lực bởi giải thưởng lớn có thể thi đấu không tốt. Một cô gái muốn giảm cân để được chàng trai yêu thích có thể sẽ ăn uống thoải mái trở lại sau khi ngừng ăn kiêng.
Những căng thẳng và áp lực cao độ khiến bạn càng khó đạt được kết quả mình mong muốn. Các nhà khoa học cũng tính toán mức độ động lực tối ưu cho các nhiệm vụ khác nhau như với nhiệm vụ khó, bạn chỉ cần động lực mức 2-3/10, với độ khó trung bình là 5/10 và với những nhiệm vụ đơn giản là 7-8/10.
2. Hiệu ứng Irwin
Chúng ta thường nghĩ điều tốt đẹp sẽ đến với mình hơn là điều xấu. Năm 1998, một nhà tâm lý học người Mỹ có tên Scott Plous đã làm một thí nghiệm, trong đó các sinh viên được phát một danh sách gồm 42 sự kiện cả tích cực lẫn tiêu cực (như bị ốm, mua được nhà, được tăng lương,...).
Mỗi người được yêu cầu ước tính phần trăm cơ hội những điều này sẽ xảy ra trong đời mình và những điều không xảy ra vơi người khác. Kết quả là mọi người cho rằng khả năng xảy ra các sự kiện tốt đẹp với mình cao hơn 15% so với những sự kiện xấu và thấp hơn 20% so với những người khác.
Khi đưa ra quyết định, hiệu ứng này khiến chúng ta thường không nhìn rõ bức tranh toàn cảnh. Đó là lý do vì sao chúng ta lại không tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp để cho những trường hợp cần thiết hay chấp nhận những tính xấu vì cho rằng đối phương sẽ thay đổi.
3. Hiệu ứng tiến sĩ Fox
Hiệu ứng tiến sĩ Fox (Dr. Fox effect) cho rằng chúng ta có thể bị đánh lừa về trình độ, kiến thức của người giảng, nhất là khi người giảng sử dụng các thủ thuật diễn thuyết khiến cho bài giảng của mình có vẻ hay ho hơn. Có thể bạn không tin song một người không có chuyên môn hoàn toàn có thể đứng lớp và giảng cho các chuyên gia mà người nghe vẫn cảm thấy mình học được nhiều điều.
Năm 1970, tại trường Y ĐH California, các nhà nghiên cứu đã làm một thí nghiệm: nhờ một diễn viên chuyên nghiệp đóng giả là "tiến sĩ Fox" đọc một bài viết khoa học. Những gì diễn viên này đọc hầu như không liên quan đúng chủ đề, còn gây tranh cãi và chưa hoàn thiện song diễn viên này đã diễn thuyết rất trôi chảy và cảm xúc, lấy được niềm tin của người nghe.
Hiệu ứng tiến sĩ Fox thường được sử dụng bởi các chuyên gia tư vấn, diễn giả không có trình độ học vấn thích hợp. Họ bán các khóa học, hứa hẹn giúp bạn trở nên giàu có.
4. Hiệu ứng ít hơn là tốt hơn
Khi được đưa 2 món quà mà không có sự so sánh trực tiếp giữa cả hai, chúng ta sẽ có xu hướng chọn cái ít giá trị hơn. Ví dụ như khi một cô gái được chàng trai tặng một giỏ quà là mỹ phẩm bình dân, cô ấy sẽ nghĩ rằng anh chàng này không hào phóng bằng người tặng cô ta một thỏi son hàng hiệu dù thực tế giá của giỏ quà kia đắt hơn.
Khái niệm less-is-better (ít hơn là tốt hơn) do Christopher Hsee, giáo sư khoa học hành vi và marketing tại Đại học Chicago tìm ra. Ông đã làm thí nghiệm bằng cách đưa cho mọi người những đồ vật riêng biệt và yêu cầu họ chọn món quà giá trị nhất, trong đó có:
Một chiếc khăn có thương hiệu giá 45 USD và một chiếc áo khoác bình dân giá 55 USD
Một bộ 24 chiếc đĩa và một bộ 31 chiếc đĩa (gồm 24 chiếc đĩa kia và vài chiếc đĩa vỡ)
Một cuốn từ điển nhỏ và một cuốn từ điển to bìa cũ
Kết quả thu được là chiếc khăn, bộ 24 đĩa và cuốn từ điển nhỏ được nhiều người lựa chọn hơn.
5. Hiệu ứng mệnh giá tiền
Chúng ta thường có xu hướng tiêu nhiều đồng tiền có giá trị nhỏ hơn là những đồng tiền có giá trị lớn. Năm 2009, hiệu ứng mệnh giá được mô tả bởi Priya Raghubir và Joydeep Srivastava. Trong thí nghiệm đó, mỗi sinh viên được cấp một đô la, trong đó nửa nhóm được cho tờ tiền một đô và nửa còn lại được phát các đồng xu với tổng giá trị tương đương để mua kẹo. Kết quả cho thấy những người được phát tiền xu sẽ mua nhiều kẹo hơn.
Để không "cháy túi" khi đi mua sắm, hãy chỉ mang theo những tờ tiền chẵn có giá trị lớn.
6. Hiệu ứng tương phản
Hiệu ứng tương phản là cách chúng ta nhìn nhận, cảm nhận về sự việc khi đứng riêng và khi được so sánh với những thứ khác.
Vào thế kỷ 17, giáo viên, nhà triết học John Locke đã phát hiện rằng khi bạn đặt tay vào nước ấm, việc bạn cảm thấy nó nóng hay lạnh còn tùy vào trước đó tay bạn đã chạm vào nước nhiệt độ thế nào.
Trong tâm lý học, hiệu ứng này có tác dụng khi ta so sánh những người đối lập hoặc so sánh chính chúng ta với người khác. Ví dụ một cô gái có lối ăn uống lành mạnh nhưng không chơi thể thao có thể thấy bản thân không đủ cuốn hút khi lần đầu đến phòng tập gym. Tuy nhiên khi cô ấy đi biển và so sánh mình với những người phụ nữ bình thường khác, cô ấy có thể cảm thấy thoải mái và tự tin hơn nhiều.
7. Hiệu ứng "ném bóng thấp"
Đây là hiện tượng khi chúng ta đã đồng ý với một việc nào đó thì dù sau điều kiện có thay đổi, chúng ta vẫn dễ chấp nhận chúng. Hiệu ứng này thường được áp dụng nhiều trong kinh doanh.
Năm 1978, các nhà tâm lý học Robert Cialdini, John T. Cacioppo cùng các cộng sự đã làm một thí nghiệm. Một nhóm sinh viên được yêu cầu tham gia vào thí nghiệm lúc 7 giờ sáng và chỉ 24% trong đó đồng ý. Nhóm còn lại không được biết trước giờ cần đến và có 56% đồng ý tham gia. Sau khi 56% này đã đồng ý, họ mới được báo về thời gian thí nghiệm lúc 7 giờ sáng và kết quả là không ai trong 56% đó từ chối, sáng hôm sau 95% của số đó đã có mặt.
Chắc hẳn bạn đã gặp hiện tượng này nhiều lần khi đi mua sắm, khi bạn cầm sản phẩm ra thanh toán mới biết chương trình khuyến mại đã hết nhưng vẫn đồng ý mua sản phẩm với nguyên giá.