7 hiệu ứng tâm lý khiến chúng ta bị ảnh hưởng mà không hề hay biết

Bảo Anh (Theo Brightside)
15/03/2020 - 11:00
7 hiệu ứng tâm lý khiến chúng ta bị ảnh hưởng mà không hề hay biết
Bạn có từng nghĩ rằng cả thế giới đều đang để ý tới nhất cử nhất động của bạn và sẽ xoi mói, đem chúng ra bàn tán?

1. Bị ảnh hưởng bởi hành vi của người lạ

7 hiệu ứng tâm lý khiến chúng ta bị ảnh hưởng mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Đó chính là thuyết Zajonc (lý thuyết "thuận lợi xã hội" của Robert Zajonc). Chúng ta có thể ăn mặc rất xuề xoà, thậm chí trông giống một bà thím khi ở nhà song khi ra đường sẽ là một màn "lột xác" để trở nên xinh đẹp và gọn gàng hơn. Hành vi của một người không chỉ phụ thuộc vào người thân bên cạnh mà còn phụ thuộc vào cả những người lạ mặt ở quanh ta thời điểm đó.

Ví như người đàn ông trong bức hình trên, vốn dĩ anh ta không định nhường chỗ cho bà cụ trên xe buýt. Tuy nhiên khi có sự xuất hiện của cô gái trẻ, để gây sự chú ý cho cô gái, anh này đã đứng dậy nhường chỗ cho bà cụ.

Vậy làm sao để ta không bị thao túng bởi hành vi của những người xung quanh?

Hãy hỏi bản thân "Tại sao mình lại làm điều này? Có phải là để gây ấn tượng với người khác, khiến người ta để ý đến mình, hay là vì bản thân mình muốn vậy?".

2. Sự quan tâm của người khác có thể tác động tâm lý chúng ta

Đây là hiệu ứng Hawthorne (hiệu ứng trên hành vi của con người khi họ biết rằng mình đang bị quan sát hay nghiên cứu). Chúng ta thường đưa ra những nhận xét tích cực hơn khi ở trong một cuộc khảo sát hay làm tốt hơn khi được người khác ở bên động viên, khích lệ.

Bạn đi siêu thị và được mời nếm thử một loại sản phẩm về cá mới ra mắt và điền vào bảng khảo sát. Bạn sẽ không ngần ngại đưa ra những lời khen, đánh giá tích cực hơn rồi khi về nhà mới nhận ra món ăn đó không thực sự ngon như vậy.

Nên làm thế nào để không bị thao túng?

Hãy cố gắng suy nghĩ một cách rõ ràng và thận trọng. Việc trả lời khảo sát, hay tham gia vào một cuộc điều tra không có nghĩa là bạn phải đưa ra những lời khen hết mức chỉ vì bạn là người được chọn.

3. Chúng ta thường nhớ những việc mình chưa hoàn thành hơn là việc đã hoàn thành

Đây là hiệu ứng Zeigarnik, khi con người có xu hướng nhớ những việc, hành động họ chưa hoàn thành hơn là những gì đã làm xong.

Ví dụ như một người phục vụ sẽ nhớ các món bạn gọi và chú ý cho đến khi chúng được phục vụ đầy đủ. Chỉ sau khi xong phần đó, họ mới chuyển sự quan tâm sang bàn kế tiếp.

Lời khuyên dành cho bạn là gì?

Sẽ tốt hơn khi bạn hoàn thành được mọi việc để không luẩn quẩn mắc kẹt những đầu còn dang dở. Ít nhất là nó sẽ kết thúc trong đầu bạn và giúp bạn thoát khỏi những câu hỏi hiện lên trong đầu “Điều gì sẽ xảy ra nếu…”.

4. Chi tiền cho những món đồ xa xỉ để thể hiện bản thân

Đây là hiệu ứng Veblen, hay còn gọi là thuyết tiêu dùng phô trương. Hiệu ứng này khá phổ biến ở giới trẻ, những người sẵn sàng bỏ cả đống tiền để mua những món đồ thời thượng nhất dù bản thân không hề cần đến chỉ để có những bức hình lung linh trên mạng và để người khác nhìn vào. Họ cho rằng những sản phẩm xa xỉ sẽ làm nên vị trí của họ trong xã hội.

Làm thế nào để không bị thao túng?

Nếu từng dồn hết những gì mình có cho chiếc túi xách đang thịnh hành hay chiếc iphone mới ra mắt chỉ để khoe cho bạn bè trên facebook thấy, hãy nhìn nhận lại cách tiêu của mình. Trước khi bỏ tiền ra mua một món đồ đắt tiền, hãy tự hỏi liệu bản thân mình mua nó vì chất lượng tốt hay chỉ để "sống ảo".

5. Xu hướng thích sự vụng về

Đó chính là hiệu ứng Pratfall hay còn gọi là hiệu ứng sai lầm. Theo đó, Pratfall là một hiện tượng tâm lí cho rằng những người có năng lực sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi họ vụng về hay mắc sai lầm nào đó thay vì quá hoàn hảo. Sự hoàn hảo tạo nên sự xa cách, thậm chí khiến ta khó chịu.

Lời khuyên cho bạn là gì?

Đừng xấu hổ hay tự ti vì mình có những hành vi ngớ ngẩn hay vụng về. Những điều ấy có thể khiến bạn trở nên hấp dẫn hơn. Khi gặp gỡ ai đó, hãy cứ là chính mình thay vì cố gắng thể hiện hoàn hảo nhất. Đó chính là cách tốt nhất để bạn tạo được ấn tượng tốt, lấy thiện cảm của người đối diện.

6. Luôn nghĩ rằng thế giới đang xoi mói mình

Hiệu ứng Spotlight là khi bạn có cảm giác rằng tất cả mọi người đang nhìn vào mình và để ý nhất cử nhất động của bạn. Nếu cô gái nọ ra đường quên chưa chuốt mascara lên một bên mắt, cô ấy sẽ nghĩ rằng mọi người xung quanh đều nhận ra điều đó và đang thầm cười cợt cô ấy.

Một nhóm các nhà tâm lý học đến từ Đại học Cornell (Mỹ) đã yêu cầu một nhóm người mặc áo phông với một bản in ngớ ngẩn trên đó và đếm số người nhận ra nó, kết quả là số người nhận ra lỗi sai ít hơn hẳn so với dự đoán ban đầu.

Bạn nên làm gì?

Sự thật là mọi người sẽ không chú ý nhiều đến những sai lầm bạn mắc phải như những gì bạn tưởng tượng. Nếu không may chiếc áo của bạn bị lấm bẩn, đừng quá chú ý đến nó. Hãy nhớ lại lúc người khác mắc lỗi, bạn cũng không để ý nhiều phải không? Mọi chuyện vẫn ổn thôi.

7. Càng có nhiều người xung quanh thì càng ít người giúp bạn khi cần

Hiệu ứng Bystander còn được gọi là hiệu ứng người ngoài cuộc. Khi chứng kiến một tình huống khẩn cấp xảy ra ngay trước mắt, việc bạn có hành động để giúp người đó không còn phụ thuộc vào số lượng người có mặt cùng ta lúc đó. Càng có đông người, chúng ta càng nghĩ rằng người khác sẽ giúp họ và cuối cùng là không có ai giúp đỡ người gặp nạn.

Lời khuyên

Nếu bạn đột nhiên cảm thấy trong người không ổn ở nơi công cộng, đừng gọi chung chung mà hãy xác định gọi một người cụ thể. Bằng cách này, bạn sẽ dễ nhận được sự giúp đỡ hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm