7 thói quen cản trở sự trao đổi chất của cơ thể

08/06/2016 - 07:00
Không rửa tay thường xuyên hoặc ăn quá nhiều tinh bột đều là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến sự trao đổi chất trong cơ thể.
 
co-the-trao-doi-chat-2.jpg
1. Ngồi lâu không vận động

Mọi người đều biết ít vận động sẽ làm cho quá trình trao đổi chất trở nên chậm chạp, thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh cao huyết áp, tiểu đường... Thậm chí bạn đến phòng tập thể dục hàng ngày nhưng thời gian khác lại chỉ toàn ngồi cũng có thể coi là ít hoạt động, không tốt cho sự trao đổi chất trong cơ thể. Tốt nhất bạn tập cho mình thói quen đứng bất kỳ lúc nào; trong quá trình ngồi làm việc, học tập... cứ khoảng nửa đến một tiếng bạn hãy đứng lên, đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng.

2. Ngủ ít

Thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng điều chỉnh glucose của cơ thể, đồng thời làm giảm bài tiết leptin, tăng bài tiết ghrelin khiến cho bạn cảm thấy đói, gián tiếp dẫn đến rối loạn chuyển hóa chất béo. Mỗi ngày cần ngủ ít nhất 7 tiếng đồng hồ mới đảm bảo cho sự trao đổi chất diễn ra bình thường.

3. Không rửa tay thường xuyên

Adenovirus-36 là một loại virus có thể khiến tế bào gốc trong cơ thể người trưởng thành chuyển thành tế bào chất béo. Adenovirus là một loại virus thường gặp gây nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiêu hóa và các cơ quan khác, dẫn đến làm rối loạn khả năng trao đổi chất của tế bào. Adenovirus có thể thông qua hắt hơi, ho, tay không rửa sạch để gây bệnh. Do đó rửa tay thường xuyên là cách tránh nguy cơ lây nhiễm virus, duy trì sự trao đổi chất ổn định.

4. Không rửa sạch rau quả trước khi ăn

Thuốc trừ sâu có chứa nhiều chất độc hại, sau khi được hấp thu vào cơ thể sẽ được tích trữ trong các tế bào mỡ, gây trở ngại cho quá trình chuyển hóa năng lượng. Trước khi ăn rau và hoa quả bạn cần rửa sạch dưới vòi nước; có thể cho một ít bột mỳ vào nước rồi ngâm rau quả và chà sạch, sau đó rửa lại với nước.

5. Ăn quá nhiều tinh bột

Nếu bạn chỉ ăn cơm, bánh mỳ hay các loại thực phẩm giàu tinh bột sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, E, làm giảm khả năng hấp thụ kali, kẽm, sắt và các nguyên tố vi lượng khác, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể. Các thực phẩm chứa hàm lượng protein cao có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ làm giảm cholesterol, làm sạch dạ dày, giúp sự trao đổi chất ổn định ở mức độ bình thường.

6. Uống ít nước

Nếu không uống đủ ít nhất 6 - 8 ly nước mỗi ngày cơ thể bạn sẽ không thể duy trì sự trao đổi chất bình thường. Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường tiêu hóa, duy trì hoạt động của hệ tuần hoàn tốt hơn. Ngoài ra không nên uống các loại nước ngọt thay nước lọc, cũng không nên uống nhiều nước lạnh.

7. Nhịn ăn hoặc thời gian giữa các bữa ăn cách nhau quá nhiều

Một ngày ăn đủ ba bữa đã trở thành quy luật trong cuộc sống con người. Nếu bạn nhịn ăn một bữa, hoặc để khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài sẽ khiến cho cơ thể ở trong trạng thái đói, làm giảm tốc độ trao đổi chất. Khoảng cách tốt nhất giữa các bữa ăn là từ 4-6 giờ, trong khoảng thời gian đó bạn có thể ăn nhẹ để lót bụng, chống đói, giúp cơ thể trao đổi chất tốt hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm