7 tuổi thay mẹ chăm 2 em, trông chú tâm thần

30/03/2016 - 07:00
Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, một phút nóng giận, người chồng không làm chủ được mình đã đánh chết vợ. Từ ngày mẹ mất, bố đi tù, bé Thảo phải gánh trách nhiệm làm mẹ chăm sóc 2 em nhỏ và 1 người chú bị tâm thần, từ khi em mới 7 tuổi.
 Bé Thảo đập ve chai giúp ông bà để đem bán lấy tiền sinh sống hàng ngày

Ngôi nhà của Lê Nguyễn Nguyên Thảo (SN 2005, thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) tuềnh toàng, tường gạch chưa kịp tô vữa, cửa sổ là tấm tôn rách cứ rung lên phành phạch mỗi khi có gió thổi. Dù nhà chẳng ra nhà nhưng đây là nơi 3 chị em Thảo cùng ông bà nội và người chú bị bệnh tâm thần vẫn coi là “tổ ấm” nhiều năm nay. “Tổ ấm” của 3 chị em Thảo chỉ có 2 đồ vật có giá trị, đó là chiếc giường cũ trải manh chiếu rách tơi tả và chiếc xe đạp cà tàng.

Vừa đi học về, cô bé Thảo vội cất cặp sách rồi ra hiên nhà đập những lon ve chai phụ giúp ông bà ngoại. Thảo kể: “Trong 3 chị em, nhỏ tuổi nhất là Sinh (Lê Nguyễn Nguyên Sinh, SN 2011) chưa đi học, còn em Nguyên (Lê Nguyễn Tường Nguyên, SN 2009) đã đi học lớp 1. Dù mẹ đã mất, bố không có nhà, nhưng chị em cháu vẫn cố gắng đi học để có cái chữ”.

Thảo cho biết, mỗi sáng, cháu dậy sớm chuẩn bị đồ đạc, sách vở cho em Nguyên, rồi đưa em đi học. Đến giờ tan học, cháu lại đến trường đón em về nhà rồi lo nấu cơm cho cả nhà ăn. Ông bà nội cùng đi lượm ve chai, hôm nào lượm gần thì về nhà ăn trưa cho đỡ tốn tiền, hôm nào ông bà đi xa thì đến tối mịt mới về. Ở nhà Thảo có người chú ruột, nhưng do chú bị bệnh tâm thần nên ngoài lo tắm rửa, cho 2 em ăn, học bài và chơi với em út, Thảo còn phải cho chú ăn uống, thay quần áo khi bẩn, trông chừng chú có đi đâu không, có làm gì dại dột không, kể cả việc chú đi vệ sinh, cháu cũng giúp lấy giấy...”.

Bà nội Chi chỉ mong có sức khỏe, làm chỗ dựa cho 3 đứa cháu bất hạnh 

Cô bé tâm sự: “Hồi mẹ cháu mới mất, đêm nào em Sinh cũng khóc đòi mẹ, ông bà nội thay nhau ru em, dỗ em cũng không nín. Sau đó cháu cứ ôm em chặt vào lòng giống mẹ vẫn làm rồi học hát ru giống mẹ là em nín, từ đó chị em cháu tự ngủ với nhau. Nhiều đêm em khóc đòi mẹ, rồi có lần em bị ốm, đêm phải thức trông em, sáng dậy sớm để chuẩn bị cho em khác đến trường nên nên đến lớp học cháu rất mệt”. 

Ông bà nội rất thương 3 chị em Thảo, nhưng do ông bà đi lượm ve chai cả ngày nên không nhắc nhở, dạy dỗ mấy chị em nhiều được. Để ông bà yên tâm đi làm kiếm tiền, Thảo chỉ biết chăm lo cho các em từng chút một. Hàng ngày, lo xong hết việc nhà, cho các em ăn uống, giặt đồ cho cả nhà xong, Thảo mới có thời gian dành cho việc học tập.

Giọng cô bé 11 tuổi bỗng nhỏ lại: “Mẹ cháu chết rồi, bố đi tù, ông bà nội già yếu vẫn cố đi làm, nhưng không thể lo cho chị em cháu lâu dài được. Cháu phải gắng học giỏi để sau này có việc làm ổn định mới nuôi mình, nuôi ông bà lúc già hơn và các em nữa”.

 Thảo kể: “Có lần em Sinh bị sốt, cháu dỗ em suốt đêm mà em vẫn khóc đòi mẹ, cháu chỉ biết khóc cùng em. Lúc đó cháu rất nhớ mẹ. Nếu có mẹ, có bố ở nhà, cháu sẽ không phải làm nhiều việc như bây giờ”. Cô bé Thảo ngậm ngùi ngước đôi mắt mọng nước nhìn về phía xa.

Bà Phan Thị Chi (SN 1958, bà nội Thảo) nghẹn ngào: “Ngày nào cũng vậy, kể cả lúc nắng, lúc mưa, vợ chồng tôi chở nhau bằng xe đạp đi khắp nẻo đường để nhặt ve chai về bán. Có hôm tôi với ông ấy đi miết tận xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cách nhà 50 cây số), mà số tiền kiếm được cũng chỉ cơm mắm qua ngày cho 6 miệng ăn. Bữa cơm chỉ có bát rau, hôm nào khá hơn có mớ cá kho, miễn sao bà cháu tôi sống qua ngày”.

Nhìn mấy đứa cháu ngây thơ đùm bọc nhau, thơ thẩn tự chơi ngoài hiên nhà, những giọt nước mắt lại chảy trên gò má nhăn nheo của bà: “Vợ chồng tôi già rồi, không biết còn sống đến ngày nào để lo cho 3 đứa nhỏ. Đêm nào nghĩ đến chuyện đó, tôi lại khóc suốt đêm. Tôi đau con, xót cháu như lòng bị xát muối”.

 Thấy bà nhắc đến bố mẹ, Thảo chợt cúi mặt xuống đất, cố giấu những giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt non nớt, xanh xao của mình: “Cháu thương ông bà vất vả, cháu cũng rất nhớ mẹ và nhớ bố”. 

Thảo là đứa trẻ chứng kiến bố mẹ tranh giành, cãi cọ, chứng kiến người mẹ đầy máu và chết gục dưới tay bố, vết thương lòng và nỗi sợ hãi cứ đeo bám Thảo rất nhiều ngày tháng. “Hồi mới xảy ra chuyện, cháu không dám ngủ vì nghĩ đến mẹ bị chết, cháu thấy ghét bố, bố đã làm mẹ phải rời xa chị em cháu mãi mãi”.

Nhưng sau lần bà nội đưa Thảo lên thăm nuôi bố ở trại giam, thấy bố gầy rộc, mắt hõm sâu, bố nhìn Thảo chỉ khóc và cầm chặt tay Thảo rất lâu mà không nói được gì ngoài mấy chữ: “Bố có tội lớn với các con, bố không dám xin các con tha thứ…”.

Cô bé bấu chặt cánh tay nhăn nheo của bà nội, nức nở: “Bố ở trong tù, nhưng bố vẫn khóc khi gặp cháu, thế là vẫn thương chị em cháu. Cháu sẽ chăm các em để đợi ngày bố được về nhà. Mẹ mất rồi, chị em cháu chỉ còn bố thôi”.

Ngày 6/10/2012, sau khi đi uống rượu về nhà, Lê Thanh Tuấn (SN 1980) chửi vợ là chị Nguyễn Thị Trang (SN 1982), cho rằng 3 đứa con vợ sinh ra không phải là con của mình. Tức giận bởi những lời xúc phạm vô căn cứ của chồng, chị Trang bỏ nhà ra đường sắt ngồi đến hơn 1h sáng ngày 7/10/2012. Không thấy vợ về, Tuấn cầm một chiếc rìu đi tìm, ra tới đường sắt đoạn gần nhà thấy vợ ngồi khóc một mình, 2 vợ chồng lại tiếp tục xảy ra cãi vã. Cho rằng vợ dám lớn giọng cãi với mình, Tuấn đã dùng chiếc rìu bổ thẳng vào đầu vợ, khiến chị Trang chết tại chỗ.

Ngày 7/3/2013, TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Tuấn tù chung thân vì tội Giết người.




Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm