70% bệnh nhân viêm não mô cầu có thể tử vong

17/09/2015 - 08:00
Những năm gần đây, viêm não mô cầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Đây là bệnh rất nguy hiểm, có thể khiến 70% số người mắc tử vong
Trường hợp tử vong tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM là một thai phụ, 22 tuổi, tạm trú tại phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói… Dù các bác sĩ đã tập trung cứu chữa nhưng diễn tiến bệnh ngày một nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm xác định bệnh nhân tử vong là do nhiễm não mô cầu.
Không chỉ riêng TPHCM, viêm não mô cầu từng xuất hiện tại Hà Nội vào năm 2014. Người mắc bệnh là B.H.D, 21 tuổi, ở huyện Phú Xuyên. Trước đó, tháng 5/2013, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cũng tiếp nhận 1 bệnh nhân viêm não mô cầu. Còn vào đầu năm 2012, Hà Nội và 5 tỉnh phía Bắc đã xảy ra vụ dịch não mô cầu, ghi nhận 1 bệnh nhi tử vong.
Diễn tiến nhanh nhưng khó phát hiện sớm
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, não mô cầu là bệnh nguy hiểm, lây qua đường hô hấp, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Lý do là khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng và ở những cơ địa yếu, vi trùng tiếp tục di chuyển đến máu đi khắp cơ thể, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.
Những trường hợp diễn tiến cấp tính có thể gây tử vong nhanh chóng. Tỉ lệ tử vong khi nhiễm căn bệnh này từ 50% đến 70%, tùy từng thể bệnh. Bình thường, ở một số người, tác nhân gây não mô cầu có thể khu trú tại vùng hầu họng nhưng không biểu hiện bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể kém thì dễ phát bệnh. Lúc này, vi khuẩn gây bệnh có nguy cơ lây lan cao và bùng phát thành dịch, bởi bệnh lây lan qua dịch tiết đường hô hấp.

Viêm não mô cầu khó phát hiện sớm, các nốt tử ban, cơn co giật hoặc mê sảng, nôn ói xuất hiện ở giai đoạn nặng

Mặc dù nguy hiểm và dễ lây lan nhưng viêm não mô cầu khó nhận biết sớm, do các triệu chứng của bệnh giống nhiễm khuẩn, virus khác, với biểu hiện đau họng, đau mỏi người, sốt kèm ớn lạnh, rét run. Tuy nhiên, ở giai đoạn nặng, bệnh vẫn có những biểu hiện điển hình như co giật hoặc mê sảng, nôn ói, xuất hiện các nốt tử ban. Các vết ban đỏ nổi ngoài da thường có màu tím thẫm hoặc to bằng đầu đũa, xuất hiện trong 1-2 ngày có biểu hiện bệnh.
Phòng bệnh thế nào?
Viêm não mô cầu có thể xuất hiện ở tất cả độ tuổi nhưng trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên 11-19 tuổi thuộc nhóm dễ nhiễm bệnh nhất. Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng được.

Nhóm trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao mắc viêm não mô cầu (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, để phòng bệnh này, khi ở nơi đông người, gần người bệnh, tại ổ dịch thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng muối sinh lý, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Còn nếu bạn từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, cần dùng thuốc dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, mọi người cần thực hiện tốt việc vệ sinh nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến bệnh viện sớm để được khám và điều trị kịp thời.

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Cách phòng viêm não mô cầu tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Cụ thể, người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Bởi viêm não mô cầu hiện nay thường do vi khuẩn não mô cầu gồm các tuýp A, B, C gây nên. Vaccine phòng bệnh này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều/lần, nhắc lại 3 năm/lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm