Phần lớn sai phạm ở các cơ sở thẩm mỹ nói trên là hoạt động không có biển hiệu hoặc có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với giấy phép hoạt động, không lập hồ sơ bệnh án hoặc không ghi chép đầy đủ theo quy định. Một số cơ sở đăng quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, không niêm yết giá dịch vụ... Đặc biệt, có một số cơ sở hoạt động không phép. Trong đó, cơ sở của ông Nguyễn Hữu Hoạt tại đường Ngô Gia Tự, phường 3, quận 10 bị phạt số tiền 112,5 triệu đồng.
Nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép.
Điều đáng chú ý, là một số cơ sở có trang bị hệ thống camera để phát hiện từ xa có cơ quan chức năng kiểm tra; khi bị kiểm tra thì nhân viên không hợp tác, che giấu hồ sơ, sổ sách liên quan đến khám chữa bệnh... nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Do đó thanh tra Sở gặp khó khăn trong việc phát hiện các sai phạm.
Một số cơ sở chăm sóc da, spa trang bị đầu tư các máy laser chăm sóc da khi chưa có bác sĩ chuyên khoa da liễu, lại đăng ký cùng địa chỉ với phòng khám có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ để hoạt động trá hình. Nhiều nơi không theo dõi hạn dùng hộp thuốc cấp cứu.
Một vấn đề đáng quan ngại là hầu hết bảng hiệu tại các phòng khám đều sai quy định. Trong khi Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thuộc công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể, nhưng cơ sở lại treo biển hiệu như "Viện thẩm mỹ…", "Thẩm mỹ viện...", "Trung tâm thẩm mỹ...".
Để tiếp tục chấn chỉnh tình hình, năm 2018 Thanh tra Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và các trường hợp có đơn thư phản ánh của người dân… Sở Y tế TPHCM kiến nghị bổ sung các quy định về xử phạt, như việc đăng thông tin cơ sở y tế trên website, mạng xã hội, cơ sở có niêm yết giá nhưng ghi không đầy đủ....