pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lá vối tốt thế nào cho sức khỏe
Vối (tên khoa học là Syzygium nervosum) là loài thực vật thân mộc có hoa trong họ Đào kim nương. Cây vối trưởng thành có thể cao từ 12-15 mét; lá vối hình bầu dục, hai mặt có đốm màu nâu. Phiến lá dày, dai, cứng; lá vối già thường có chấm đen ở mặt dưới. Lá, cành non và nụ vối có mùi thơm đặc trưng, hoa vối thường nở vào khoảng tháng 5 đến tháng 7.
Vối là cây mọc hoang ở khắp nơi, thường được trồng phổ biến ở một số tỉnh của Trung Quốc, các nước Đông Á, Đông Nam Á và lãnh thổ Bắc Úc. Ở Việt Nam, vối thường được trồng ở ven bờ ao, bờ suối ở miền Bắc và miền Trung. Gỗ cây được dùng làm nông cụ và vật liệu xây dựng. Vỏ cây dùng làm thuốc nhuộm đen tóc. Lá và nụ đun làm nước uống.
1. Thành phần dinh dưỡng
Các thành phần dinh dưỡng trong lá vối gồm:
- Hợp chất tanin có tác dụng chống oxy hóa cho cơ thể
- Nhiều chất khoáng và vitamin có lợi
- 4% tinh dầu lá vối đem lại mùi hương dễ chịu đặc trưng
- Nhiều chất kháng sinh giúp ức chế và tiêu diệt vi khuẩn
- Ngoài ra, lá vối còn chứa một hàm lượng nhỏ các chất béo, gallic, sterol, …
2. Tác dụng của lá vối
2.1. Thanh lọc, giải nhiệt cơ thể
Theo Y học cổ truyền phương Đông, nước lá vối có thể được sử dụng quanh năm như một loại nước giúp giải khát và thanh lọc cơ thể. Lượng muối khoáng và vitamin trong lá vối giúp bù lại năng lượng cho cơ thể trong những ngày nắng nóng hoặc sau những giờ làm việc căng thẳng.
Thời gian hấp thụ nước vối dài hơn (so với nước lọc) cũng sẽ giúp cơ thể phòng tránh các hiện tượng say nắng, mất nước do thời tiết khắc nghiệt.
Đọc thêm:
- Ăn thanh long có tác dụng gì? Ăn nhiều thanh long có béo không?
- Những cách chế biến nấm cần học thuộc lòng để tránh gây ngộ độc cho cả nhà
2.2. Nâng cao sức khỏe tiêu hóa
Nước lá vối có tác dụng kích thích dạ dày tiết dịch tiêu hóa để cơ thể hấp thụ thức ăn hiệu quả hơn và ngăn ngừa tình trạng đầy bụng, khó tiêu dễ gặp phải sau khi ăn. Hợp chất tanin có trong lá vối cũng có tác dụng kháng khuẩn và bảo vệ niêm mạc ruột khỏi những tác nhân gây hại.
Trong dân gian, lá vối tươi thường có mặt trong nhiều bài thuốc chữa các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy,… Sau những bữa ăn nhiều đạm hay dầu mỡ, uống nước lá vối sẽ giúp giảm thiểu cảm giác khó chịu, đầy hơi.
2.3. Có lợi cho phụ nữ mang thai
Đối với các mẹ bầu, uống nước lá vối đem lại cảm giác ngon miệng và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Trong thời kỳ cho con bú, sử dụng nước lá vối một cách khoa học cũng giúp các mẹ duy trì và đảm bảo nguồn sữa tự nhiên cho bé.
2.4. Giải độc, hỗ trợ gan
Các vấn đề về sức khỏe như vàng da, mờ mắt, bụng trướng, … đều là hệ quả của việc lạm dụng bia rượu và ăn nhiều đồ ăn có tính nóng. Nặng hơn, bạn có thể mắc phải các chứng bệnh về gan như viêm gan hay ung thư gan.
Uống nước lá vối hàng ngày sẽ giúp nâng cao hiệu quả thanh lọc, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Khi sử dụng dưới dạng thực phẩm bổ sung, lá vối có tác dụng hỗ trợ chức năng gan và phòng tránh các bệnh lý khác về gan ở người thường.
2.5. Ngăn ngừa biến chứng tiểu đường
Hợp chất flavonoid và các chất chống oxy hóa trong lá vối có tác dụng cao trong việc ngăn ngừa, hỗ trợ phòng và điều trị tiểu đường. Nước lá vối có vị ngọt, giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu và ngăn ngừa các biến chứng về mắt, tim, gan, thận,... Đây cũng là những biến chứng mà các bệnh nhân tiểu đường hay mắc phải.
Để đạt được hiệu quả sử dụng cao, người bị bệnh tiểu đường nên sử dụng kết hợp cả nụ vối và lá vối.
2.6. Chăm sóc da và chữa bệnh ngoài da
Lá vối có tác dụng kháng khuẩn, giúp hỗ trợ điều trị các chứng bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Uống nước lá vối thường xuyên cũng giúp bổ sung độ ẩm cần thiết cho làn da, giúp làn da khỏe mạnh hơn.
Tắm hoặc gội đầu bằng nước lá vối cũng là một trong những bài thuốc dân gian tự nhiên giúp chữa trị các bệnh về da mà bạn không nên bỏ qua.
2.7. Hỗ trợ điều trị bệnh gút
Các thành phần trong lá vối có thể trung hòa lượng đạm và dầu mỡ trong bữa ăn hàng ngày, giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Do vậy, lá vối xứng đáng được coi là vị cứu tinh của những người bị bệnh gút. Bên cạnh đó, uống nước lá vối còn giúp cơ thể tiêu hóa nhanh các loại thức ăn, giúp đào thải các chất có hại ra khỏi cơ thể, trong đó có axit uric.
Tính kháng viêm của lá vối cũng giúp giảm thiểu tình trạng sưng, đau, nóng khớp ở những người bị bệnh gút.
2.8. Hỗ trợ giảm cân
Lá vối cũng được xếp vào loại thảo dược có công dụng làm đẹp tự nhiên và hiệu quả. Sử dụng lá vối giúp hỗ trợ giảm cân, giữ vóc dáng thon gọn và săn chắc.
Thành phần polyphenol trong lá vối giúp cơ thể đốt cháy mỡ thừa, săn chắc cơ bắp và giảm khả năng hấp thụ đường của cơ thể. Kiên trì uống nước lá vối kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp sẽ giúp bạn có được vóc dáng mong muốn.
3. Một số lưu ý về tác dụng phụ và các đối tượng không nên sử dụng lá vối
3.1. Tác dụng phụ của lá vối
Y học cổ truyền khuyến khích việc sử dụng lá vối tươi hơn lá vối khô, đặc biệt trong việc phòng và trị bệnh. Nhìn chung, lá vối là một loại thảo dược tự nhiên lành tính, có thể sử dụng hàng ngày (đặc biệt dưới dạng nước uống) mà không đem lại tác dụng phụ đáng kể nào.
Tuy nhiên, bạn cần đặc biệt lưu ý tới thời điểm và liều lượng sử dụng khi dùng lá vối dưới dạng thuốc. Nếu sử dụng thiếu khoa học, lá vối có thể đem lại những tác dụng phụ như sau:
- Uống nước vối trong lúc đói dễ gây cảm giác đói, thèm ăn, dẫn đến các hiện tượng như thiếu năng lượng, mệt mỏi, …
- Uống nước vối ngay sau khi ăn xong cũng có thể làm rối loạn hoạt động của hệ tiêu h- óa. Chính vì vậy, nên đợi khoảng 15-30 phút sau bữa ăn rồi mới uống nước vối nếu cần thiết.
- Tác dụng ổn định đường huyết, mỡ máu và hỗ trợ giảm cân của lá vối cũng có thể gây ra nhiều vấn đề ở những người có thể trạng quá gầy, hoặc trẻ nhỏ.
- Tác dụng lợi tiểu của lá vối có thể dẫn đến đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm ở người già.
3.2. Những đối tượng không nên sử dụng lá vối
Với những tác dụng phụ trên, những đối tượng sau đây nên đặc biệt chú ý đến liều lượng sử dụng lá vối, hoặc tránh sử dụng lá vối để đảm bảo sức khỏe:
- Người già và trẻ nhỏ (dưới 12 tuổi) nên tránh sử dụng lá vối để đảm bảo thể trạng và các chức năng của cơ thể hoạt động bình thường.
- Những người quá gầy yếu nên tránh uống nước lá vối quá thường xuyên.
- Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, các bệnh nhân chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật và điều trị thuốc, … cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng lá vối dưới bất kỳ hình thức nào.
- Đối với các đối tượng khác, nếu có phát sinh hiện tượng sức khỏe nào trong quá trình dùng lá vối, phải ngừng việc sử dụng lại và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa trị.
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến thời điểm sử dụng lá vối để tránh các tác dụng phụ không mong muốn như đã nói. Về liều lượng, một ấm nước vối hàng ngày là đủ để phát huy các tác dụng tốt của lá vối đối với sức khỏe.
4. Lá vối trong cuộc sống hàng ngày
Trong cuộc sống thường ngày, lá vối được sử dụng để pha nước uống thay cho trà. Bạn có thể pha nước lá vối tươi hoặc nước lá khô, có thể cho thêm nụ vối để tăng thêm hương vị.
Công thức pha 1 ấm trà vối: 5 - 7 lá vối 10g nụ vối
Nên bảo quản nước lá vối trong môi trường kín và lạnh. Tránh để nước vối qua đêm ở môi trường ngoài vì có thể gây thiu hoặc thay đổi mùi vị, làm giảm tác dụng của lá vối.
Không chỉ đơn thuần là giải khát, những tác dụng của lá vối trong việc phòng và chữa trị bệnh ngày càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn, hãy sử dụng lá vối một cách khoa học dựa trên thông tin từ bài viết này cùng ý kiến của các chuyên gia.
Nguồn tham khảo:
1. https://herbpathy.com/Uses-and-Benefits-of-Syzygium-Nervosum-Cid4555
2. http://tropical.theferns.info/viewtropical.php?id=Syzygium nervosum