pnvnonline@phunuvietnam.vn
8 dấu hiệu chứng tỏ bạn luôn cố làm hài lòng người khác
1. Bạn có xu hướng xin lỗi quá mức
Có ai từng nói với bạn rằng bạn đang nói lời xin lỗi quá nhiều không? Bạn có thường xin lỗi cả về những điều không phải do lỗi của mình hoặc không nằm trong tầm kiểm soát của bạn không?
Việc có thể nhận ra sai lầm của mình và chịu trách nhiệm về những điều đó là tốt song bạn cần phân biệt được sự khác nhau giữa khiêm tốn và tự trách bản thân. Khi một người luôn miệng nói lời xin lỗi dù chẳng vì lý do gì, vật lộn với cảm giác tội lỗi quá mức, rất có thể đó là người luôn cố làm hài lòng cả thế giới này.
2. Bạn cảm thấy khó khăn khi phải từ chối
Cũng giống như việc biết khi nào cần nói lời xin lỗi, bạn cần biết khi nào nên nói lời từ chối. Nhiều người trong chúng ta vì nghĩ rằng bản thân mình cần rộng lượng, giúp đỡ người khác mà không thể nào nói không. Họ thà để bản thân mình thấy không thoải mái, gặp rắc rối còn hơn là phải từ chối ai đó.
Giúp đỡ người khác là điều tốt song bạn cần biết ưu tiên các nhu cầu của bản thân cũng như thiết lập các ranh giới khi nào nên nói lời từ chối. Nếu bạn luôn cố gắng để nói đồng ý dù với những đề nghị vô lý nhất chỉ đơn giản là vì sợ làm tổn thương cảm xúc của người khác hoặc làm họ thất vọng, rất có thể bạn là một người cố làm hài lòng người khác.
3. Bạn đồng ý với tất cả mọi người
Hãy nhớ lại lần cuối cùng ai đó hỏi về ý kiến của bạn, bạn có trả lời thành thật không dù biết điều đó đi ngược lại những gì người khác tin tưởng hay có sự khác biệt trong quan điểm? Bạn có xu hướng lắng nghe những người xung quanh một cách lịch sự và giữ riêng những suy nghĩ của mình cho riêng mình, không nói ra dù thấy không đồng ý với họ?
Việc bạn không phán xét hay chỉ trích người khác là điều tốt nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên gật gù với tất cả những gì mình nghe được và không dám chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình.
4. Bạn thay đổi để thích ứng với mọi người tốt hơn
Sự thật là nhiều người trong chúng ta từng cảm thấy áp lực khi phải tuân theo và thay đổi một số khía cạnh của bản thân để giống hơn với mong muốn của người khác. Nhưng khoảnh khắc khi chúng ta bắt đầu đánh mất bản thân và thay đổi quá nhiều con người mình chỉ để làm hài lòng mọi người trong cuộc sống, chúng ta đang coi sự hài lòng của người khác quan trọng hơn hạnh phúc của chính mình.
5. Bạn cảm thấy khó chịu với những xung đột
Bạn không thể chịu đựng được ý nghĩ về việc ai đó, dù là người quen hay người lạ nổi giận với bạn. Thay vì đứng lên bảo vệ bản thân và những gì bạn cho là đúng, đa phần trong các trường hợp, bạn sẽ chọn xin lỗi để mọi chuyện qua nhanh, không phải giải quyết xung đột. Trên thực tế, bạn là người luôn cố để tránh phải đối mặt với xung đột.
6. Bạn chịu trách nhiệm về cảm xúc của người khác
Khi một người biết đặt mình vào vị trí của người khác, người đó có thể hiểu và kết nối sâu sắc với mọi người. Đồng cảm là điều thực sự tuyệt vời, giúp bạn củng cố các mối quan hệ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn phải chịu trách nhiệm về cảm xúc của tất cả mọi người cũng như đáp ứng nhu cầu tình cảm của họ không phải là việc của bạn. Sẽ là sai lầm khi bạn làm thế vì nghĩ rằng đó là điều tốt đẹp nên làm. Suy nghĩ này chỉ khiến bạn dễ rơi vào trạng thái thất vọng, căng thẳng và kiệt quệ về mặt cảm xúc hơn mà thôi.
7. Bạn liên tục tìm kiếm sự xác nhận từ bên ngoài
Đó là mỗi khi bạn hoàn thành một điều gì đó nhưng lại không cảm thấy hài lòng cho đến khi nhận được lời khen ngợi từ bên ngoài. Bạn cần những lời khen ngợi, sự đánh giá cao của người khác để khẳng định bản thân và thường cố gắng rất nhiều chỉ để đạt được điều đó.
Luôn tìm kiếm sự xác nhận từ bên ngoài, coi suy nghĩ và đánh giá của người khác là vô cùng quan trọng chính là cách tự hủy hoại mình. Bạn cần nhận ra sự thật rằng không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người và chỉ có bạn mới có thể khiến bản thân thực sự hạnh phúc.
8. Không lên tiếng khi bị tổn thương
Có không ít người chọn cách im lặng khi bị tổn thương. Họ không dám mở lòng chia sẻ với bất kỳ ai dù trong lòng rất đau. Bạn sợ làm phiền người khác, sợ câu chuyện của mình có thể khiến ai đó khó chịu và suy cho cùng, đó đâu phải vấn đề, câu chuyện của họ.
Một mối quan hệ tốt đẹp là khi đôi bên đến với nhau bằng sự chân thành, cởi mở và chia sẻ. Nếu bạn luôn sợ điều này điều kia, không dám chia sẻ và bộc lộ cảm xúc, bạn thực sự khó có thể hình thành những mối quan hệ đích thực và bền vững.