pnvnonline@phunuvietnam.vn
8 điều Bộ Y tế khuyến cáo người dân đang chịu ảnh hưởng của mưa bão cần chú ý để đảm bảo sức khỏe
Nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trong mùa mưa bão trở nên lớn hơn khi các tỉnh miền núi phía Bắc hay duyên hải miền Trung liên tiếp phải gánh chịu các cơn bão lớn, bên cạnh việc gây ra nhiều thiệt hại về người và của trong những ngày qua. Đặc biệt là tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, có nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất và chia cắt giao thông.
Bộ Y tế cho biết, sau mưa bão thì lũ lụt, vi sinh vật hay nấm mốc có điều kiện phát triển nhanh chóng khi bụi, rác hay chất thải tràn ồ ạt vào nguồn nước sinh hoạt, gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ gia đình sinh sống trong vùng mưa bão.
Nói cách khác, những dịch bệnh liên quan tới ô nhiễm, vi khuẩn, nước bẩn cũng có thể bùng phát thành dịch nếu như không có các biện pháp đảm bảo sức khỏe cẩn thận. Những bệnh phổ biến trong mùa mưa bão có thể kể tới như:
- Bệnh về nhiễm trùng mắt như đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc
- Bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ
- Bệnh liên quan tới hệ miễn dịch bị vi sinh vật tấn công như cảm cúm, thương hàn, sốt xuất huyết, sốt rét
- Bệnh ngoài da như nấm tay, nấm chân, nước ăn tay, nước ăn chân
- Đau mắt đỏ
- Nấm da, nấm chân tay
- Tả lỵ, thương hàn, tiêu chảy
- Cảm cúm
Mới đây, Bộ Y tế đã ra 8 khuyến cáo tới người dân trong vùng mưa bão cần thực hiện đúng và đủ để ngăn chặn hình thành dịch bệnh.
Cụ thể như sau:
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế
7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Khuyến cáo về An toàn thực phẩm cho người dân khu vực bão lũ
TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý thêm: “Người dân cũng cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất”.
Vấn đề có nước sạch để sử dụng sau mưa bão cần được chú trọng và xử lý ngay. Kể cả hiện nay, đã có nhiều loại nước đóng chai và đóng bình đã được vận chuyển tới các vùng lũ nhưng số lượng này vẫn chưa thực sự đáng kể.
Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế cũng khuyến cáo thêm, đối với nguồn nước sử dụng cho việc ăn uống, nếu như giếng bị ngập thì cách đơn giản nhất mà người dân có thể khắc phục đó là sử dụng phèn chua để khử khuẩn hoặc sử dụng miếng lọc bằng vải sạch. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không được ăn các loại rau sống trong khu vực ngập lụt.