8 mục tiêu bình đẳng giới đến năm 2030

11/05/2017 - 21:30
Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái là một trong 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

phat-trien-ben-vung.JPG
 Hội thảo quốc gia về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Hương

Trong 17 mục tiêu phát triển, "Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái" thuộc mục tiêu số 5.

Mục tiêu tổng thể này có 8 mục tiêu cụ thể, gồm:

5.1- Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực và ở mọi nơi;

5.2- Giảm đáng kể mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng hoặc nơi riêng tư, bao gồm cả hình thức bóc lột tình dục và các hình thức bóc lột khác;

5.3- Hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, kết hôn sớm và hôn nhân ép buộc;

5.4- Bảo đảm bình đẳng trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình; công nhận việc nội trợ và các chăm sóc không được trả phí; tăng cường các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ gia đình, chăm sóc trẻ em;

5.5- Đảm bảo sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và cơ hội bình đẳng tham gia lãnh đạo của phụ nữ ở tất cả các cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội;

5.6- Đảm bảo tiếp cận phổ cập đối với sức khỏe sinh sản và tình dục, quyền sinh sản như được thống nhất trong chương trình hành động của hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các văn kiện về kết quả của các hội nghị đánh giá việc thực hiện Chương trình và cương lĩnh này;

5.7- Đảm bảo tất cả phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số có quyền bình đẳng với các nguồn lực kinh tế, được tiếp cận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu các tài sản khác, các dịch vụ tài chính, quyền thừa kết và tài nguyên thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc gia;

5.8- Nâng cao hiệu sử dụng các công nghệ, tạo thuận lợi, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, để thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ. Tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu theo Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm