8X bỏ cơ hội nước ngoài để về Việt Nam

09/12/2015 - 06:22
Bỏ qua các cơ hội rộng mở ở nước ngoài, quay về Việt Nam làm việc là quyết định khá táo bạo và đầy nhiệt huyết của Cao Phương Hà, cựu sinh viên trường ĐH Harvard (Mỹ).
Cao-Ha.JPG

Cao Phương Hà hiện là Giám đốc hợp tác và phát triển của Education First (EF). Ảnh: NVCC

Trước khi quyết định trở về Việt Nam, Cao Phương Hà (sinh năm 1981) có thời gian học tập và làm việc hơn 14 năm ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Thụy Sĩ và Trung Quốc. Chị từng là giám đốc điều hành một công ty nhân sự trực tuyến hàng đầu châu Á – Jobstreet khoảng 2 năm trước khi về Việt Nam làm Giám đốc hợp tác và phát triển của Education First (EF), một tổ chức giáo dục quốc tế chuyên đào tạo ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa với sứ mệnh: “Mở cửa thế giới thông qua giáo dục”.
Hà chia sẻ, trước đây chị từng nghĩ sẽ tiếp tục ở lại Mỹ bởi môi trường làm việc, điều kiện sống ở Mỹ rất thuận lợi. Chưa kể chị còn lấy chồng người Mỹ. Ý định về Việt Nam làm việc và cống hiến nhen nhóm từ thuở Hà đang theo học ĐH Harvard. “Hồi đó, mình về Việt Nam 1 tháng liên hệ với các công ty. Mình thấy môi trường ở Việt Nam rất sôi động, đặc biệt là mô hình làm việc cởi mở ở Sài Gòn. Chính điều đó thôi thúc mình nuôi suy nghĩ “Ta về ta tắm ao ta”, Hà nhớ lại.
Hà không ngần ngại về Việt Nam làm việc khi đang có cơ hội ở nhiều quốc gia. Thời điểm đó, chị đang làm cho Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh và có những công việc khác ở Singapore. Hà chia sẻ: “Có đi rồi về nước mình mới thấy thấm hơn những giá trị thuần Việt, đặc biệt là sự gần gũi của người Việt Nam. Trước đây, mình từng làm việc ở môi trường Mỹ với nhiều điểm tích cực. Song, mọi người lại rất tách bạch giữa chuyện riêng tư và công việc, không quan tâm nhiều đến nhau”.
Để công tác tại Việt Nam, Hà phải tập làm quen với việc “chồng một nơi, vợ một nơi” và 1 năm thỉnh thoảng gặp nhau đôi ba lần. “Mình  xác định 5 đến 7 năm tới vẫn ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc vợ chồng xa nhau thêm vài năm. Có thể không ở gần nhau nhưng quan trọng là vợ chồng cùng chia sẻ, là chỗ dựa tinh thần của nhau trong cuộc đời”, Hà trải lòng. Dù bản lĩnh, độc lập trong suy nghĩ nhưng Hà không tránh khỏi những lúc yếu lòng. “Những lúc ốm đau, cảm thấy muốn có một người bên cạnh chia sẻ. Xa chồng đôi lúc nghĩ chạnh lòng nhưng rồi cũng vượt qua bởi quanh mình còn nhiều bạn bè chia sẻ”, Hà nói.
Mong muốn cống hiến cho đất nước là động lực thôi thúc Hà trở về Việt Nam làm việc. Lĩnh vực hiện nay chị theo đuổi là giáo dục, đặc biệt hướng đến giới trẻ và các em nhỏ. Đó cũng điều Hà từng bày tỏ khi viết đơn xin vào ĐH Harvard với mong muốn giúp các bé học tốt tiếng Anh. Thông qua chương trình EF, Hà muốn góp phần phát triển giáo dục, trước hết là ngoại ngữ sau đó là phát triển toàn diện. “Mình nhận thức rõ rằng trong thế giới toàn cầu hóa này, chỉ cần có suy nghĩ độc lập và công cụ, các bé có thể học ở mọi nơi, mọi lúc để mở ra kho tàng tri thức nhân loại. Giáo dục đúng cách sẽ giúp phát triển, giải phóng con người một cách toàn diện. Giáo dục Việt Nam đang cải thiện nhưng mình thấy vẫn có thể làm tốt hơn nữa”.
Việc Hà quan tâm đến giáo dục nhân cách con người phần nào chịu ảnh hưởng từ mẹ của mình, từng là một giáo viên dạy Văn. “Nhìn vào hành động, suy nghĩ của mẹ cũng khiến mình có cái nhìn yêu thương hơn với trẻ nhỏ. Đó là cách mẹ tiếp xúc với trẻ em xung quanh, không bao giờ la mắng mà luôn khuyến khích, động viên một cách cởi mở và thân thiện. Ngoài ra, ở vị thế Hiệu trưởng, mẹ đối xử với đồng nghiệp, cấp dưới rất công tâm. Mình học được ở mẹ thái độ nhìn nhận tích cực với cuộc sống”, Hà nói.
Hà đặc biệt thích làm việc với các bạn trẻ. Chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm được học để các bạn trẻ có thể sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.

“Khả năng trong mỗi con người là rất lớn. Nếu không tự tin và cởi mở, chính chúng ta đã tự đóng lại những cơ hội của mình. Tôi nghĩ mỗi người Việt nếu sống tốt hơn, chân thành hơn, cởi mở hơn thì đất nước sẽ phát triển. Theo tôi, sự thay đổi của một đất nước bắt đầu từ chính từng con người”.

Cao Phương Hà, Giám đốc hợp tác và phát triển của tổ chức Education First

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm