pnvnonline@phunuvietnam.vn
9 loại thảo mộc có tác dụng như thuốc giảm đau tự nhiên
Giảm đau là biện pháp mà mọi người sử dụng thường xuyên để giảm các cơn đau như đau đầu, đau khớp, đau bụng,...
Các loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến như paracetamol và ibuprofen thường rất an toàn. Tuy nhiên những loại thuốc này có thể gây ra biến chứng khi sử dụng hàng ngày trong thời gian dài. Chẳng hạn, lạm dụng paracetamol có thể dẫn đến đau đầu mãn tính, trong khi ibuprofen có thể gây ra các vấn đề về dạ dày.
Vì lý do này, nếu bạn sống chung với chứng đau mãn tính, bạn có thể kết hợp hoặc sử dụng một số phương pháp giảm đau khác vào thói quen hàng ngày của mình để không phải chỉ dựa vào thuốc. Có một số loại thảo mộc có tác dụng giảm đau tự nhiên và phù hợp với những cơn đau nhẹ và trung bình.
1. Tinh dầu hoa oải hương
Một số nghiên cứu cũng cho thấy dầu oải hương có tác dụng giảm đau, chống viêm và chống oxy hóa ở động vật.
Hít hoặc thoa tinh dầu hoa oải hương lên da sẽ làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của cơn đau như đau đầu hay đau cơ.
Đặc biệt, theo một nghiên cứu năm 2013, tinh dầu oải hương có thể giúp điều trị cơn đau ở trẻ em sau phẫu thuật cắt amidan. Trẻ em hít mùi hương hoa oải hương có thể giảm liều acetaminophen hoặc Tylenol hàng ngày sau phẫu thuật.
2. Tinh dầu hương thảo
Trong y học cổ truyền, công dụng của cây hương thảo được dùng như một loại thuốc giảm đau nhẹ. Cây hương thảo giúp điều trị đau đầu, đau cơ và xương cũng như co giật. Hương thảo cũng có thể làm giảm đau ở những người đang cai thuốc phiện, giảm viêm, thư giãn cơ trơn và tăng cường trí nhớ.
Trong một nghiên cứu kéo dài 2 tuần, những người sống sót sau đột quỵ bị đau vai được dùng hỗn hợp dầu hương thảo kết hợp bấm huyệt trong 20 phút, thực hiện 2 lần/ngày đã giảm được 30% cơn đau. Những người chỉ được bấm huyệt đã giảm đau 15%.
3. Tinh dầu bạc hà
Cây bạc hà có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau. Các hợp chất giúp giảm đau có trong dầu bạc hà bao gồm carvacrol, tinh dầu bạc hà và limonene.
Các bạn có thể sử dụng tinh dầu bạc hà để giảm đau co thắt và các vấn đề liên quan đến viêm khớp. Thoa dầu bạc hà lên thái dương và trán để làm giảm cơn đau đầu do căng thẳng.
4. Tinh dầu khuynh diệp
Tinh dầu khuynh diệp được chiết xuất từ tinh dầu của lá khuynh diệp hay còn có tên gọi khác là bạch đàn.
Nghiên cứu cho thấy dầu khuynh diệp có thể làm giảm đau khớp. Trên thực tế, nhiều loại kem và thuốc mỡ không kê đơn phổ biến dùng để làm dịu cơn đau do các tình trạng như viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp có chứa loại tinh dầu này.
Cách sử dụng tinh dầu để giảm đau
- Đổ tinh dầu vào máy tạo độ ẩm để khuếch tán tinh dầu ra không khí
- Pha loãng với dầu nên và thoa lên da
- Tuyệt đối không uống tinh dầu
5. Đinh hương
Đinh hương có hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng nấm và kháng virus.
Tinh dầu đinh hương, nụ hoa khô, lá và thân cây được sử dụng để làm thuốc. Đặc biệt, tinh dầu đinh hương chứa một loại hóa chất gọi là eugenol có thể giúp giảm đau và chống nhiễm trùng. Mọi người thường sử dụng dầu đinh hương để giảm đau răng.
Bạn có thể sử dụng đinh hương xay, đinh hương nguyên hạt hoặc dùng tinh dầu đinh hương chườm lên vùng da bị đau.
6. Capsaicin có trong ớt
Người ta cũng sử dụng capsaicin - có trong ớt, để giảm đau tự nhiên.
Chất này có tác dụng giảm đau ở mức độ cao, cải thiện giấc ngủ, mệt mỏi, trầm cảm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một nghiên cứu khác năm 2021 cho thấy capsaicin bôi tại chỗ có hiệu quả trong việc giảm đau thần kinh.
Bạn có thể bổ sung thêm ớt vào chế độ ăn uống để giúp giảm đau nhưng lưu ý nên ăn với lượng vừa phải. Tiêu thụ quá nhiều ớt có thể dẫn đến khó chịu hoặc kích ứng tiêu hóa.
7. Gừng
Gừng có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát cơn đau, đặc biệt đau do viêm khớp vì loại thảo mộc này có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Gừng chứa nhiều loại chất dinh dưỡng như vitamin C; vitamin B6; các khoáng chất magie, kali và đồng; gingerols, shogaols, paradol và các dưỡng chất thực vật và polyphenol khác.
Gingerol, shogaol và paradol đều có đặc tính chống oxy hóa, gingerol và paradol cũng có tác dụng chống viêm. Nhờ vậy, gừng có thể ngăn ngừa viêm - một tình trạng có thể dẫn tới sưng và đau khớp.
Ngoài tác dụng giảm đau do viêm khớp, gừng giúp giảm nhẹ cơn đau cơ do tập thể dục khi mọi người dùng nó trong ít nhất 5 ngày, tăng tốc độ phục hồi và giảm viêm liên quan đến tập thể dục.
Mọi người có thể bổ sung gừng vào chế độ ăn uống theo nhiều cách như làm gia vị kết hợp cùng các món ăn, làm thành thức uống ginger shot, ăn tươi,...
8. Cúc thơm
Y học cổ truyền thường sử dụng cúc thơm để giảm đau, giảm viêm và hạ sốt. Một số người gọi loại cây này là "aspirin thời trung cổ" vì cúc thơm có tác dụng điều trị một số tình trạng, bao gồm: sốt, đau đầu.
Cúc thơm chứa các hợp chất có thể làm giảm chứng viêm và co thắt cơ như lacton sesquiterpene và flavonoid. Hơn nữa, hoa cúc thơm còn giúp giảm sự giải phóng chất gây viêm, serotonin, từ các tế bào máu và làm chậm quá trình sản xuất chất dẫn truyền hóa học trong cơ thể bạn gọi là histamine. Cả serotonin và histamine đều đóng vai trò quan trọng trong chứng đau nửa đầu.
Bạn có thể uống trà hoa cúc thơm để giúp giảm đau, đặc biệt là đau đầu. Tuy nhiên, hoa cúc thơm có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, các vấn đề về tiêu hóa và đầy hơi. Do vậy, bạn chỉ nên sử dụng với lượng vừa phải và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
9. Nghệ
Nghệ là loại thảo mộc tự nhiên mà hầu như trong nhà bếp nào cũng có, tác dụng giảm đau của nghệ là nhờ có chứa hợp chất curcumin. Curcumin đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế sản xuất cytokine gây viêm. Điều này có thể giúp giảm đau và sưng trong các tình trạng như viêm khớp.
Ngoài ra, một đánh giá năm 2021 tuyên bố rằng chất curcumin có tác dụng giảm đau tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Tương tự như gừng, bạn có thể sử dụng nghệ làm gia vị kết hợp cùng các món ăn hoặc làm thành trà nghệ.
Lưu ý khi sử dụng thảo mộc để giảm đau
Mặc dù các loại thảo mộc và tinh dầu trên có tác dụng giảm đau, nhưng khi sử dụng biện pháp tự nhiên này, các bạn nên lưu ý:
- Biện pháp giảm đau từ thảo mộc chỉ mang tính hỗ trợ và thường áp dụng trong các trường hợp đau ở mức độ nhẹ đến trung bình. Ở mức độ nặng hơn cần sử dụng thêm cả thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Hiểu rõ về thảo mộc. Bạn nên tìm hiểu kỹ về loại thảo mộc mà bạn định sử dụng, bao gồm công dụng, liều lượng và cách thức sử dụng.
- Chú ý đến phản ứng cơ thể: Mỗi người có thể phản ứng khác nhau với thảo mộc. Nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng không mong muốn nào, hãy ngưng sử dụng và liên hệ ngay với bác sĩ ngay.