9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới

Bài và ảnh: An Khê
09/11/2023 - 18:59
9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới

"Khi HIV mới xuất hiện, nó được coi là bản án tử hình. Thế nhưng hiện nay chúng ta có thể coi HIV là bệnh mãn tính, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với HIV" - đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ

Chiều 9/11, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức cung cấp thông tin báo chí nhân Tháng Hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12). Chủ đề năm nay là: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới, trong đó có tới 49% nằm ở nhóm nam quan hệ đồng giới. Đặc biệt, tỉ lệ người nhiễm HIV trẻ hóa, gần 50% ở nhóm từ 16 đến 29 tuổi.

Ông Võ Hải Sơn - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - cho hay, Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới trong phòng chống HIV. Đặc biệt là sự dịch chuyển về đường lây truyền bệnh và tỉ lệ trẻ hóa người nhiễm HIV gia tăng.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay Việt Nam ước tính có 249.000 người nhiễm HIV. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 10.200 ca mắc mới, trong đó có tới 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM.

Đáng chú ý, đường lây truyền HIV có thay đổi, từ lây truyền qua máu là chủ yếu thì hiện nay đường lây truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu.

9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới - Ảnh 1.

Tiến sĩ Eric Dzuiban, Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá về tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam

Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dzuiban đánh giá, Việt Nam là một trong những nước đi đầu nhân rộng, mở rộng phòng chống HIV/AIDS, có thể kể đến là sử dụng dịch vụ dự phòng phơi nhiễm trước HIV (PrEP). Điều này đã góp phần đáng kể công cuộc chấm dứt HIV/AIDS của Việt Nam, năm 2022, tỷ lệ sử dụng dịch vụ này tăng 59,5% nhờ đó số ca nhiễm mới giảm 56%.

ThS Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho hay, năm 2023 toàn quốc có 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có 10.219 số ca nhiễm mới, có 1.126 ca tử vong. Hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TPHCM, độ tuổi từ 16-29 có xu hướng tăng cao. Xu hướng nhiễm HIV là nam giới vẫn giữ xu hướng tăng và chiếm hơn 80% tổng số ca mới hàng năm.

9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Tính đến hết quý III đã có 60.020 người sử dụng PrEP ít nhất 1 lần, hơn 80,6% nhóm đối tượng MSM tham gia. Về tình hình điều trị ARV, tính đến ngày 14/9/2023, Việt Nam có 177.009 người điều trị (174.261 người lớn và 2.748 trẻ em) tại 534 cơ sở y tế điều trị HIV với 506 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV mới chủ yếu ở nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 49%, trong khi đối tượng nghiện chích ma túy chỉ chiếm 6%, người hành nghề mại dâm chiếm 0,5%.

"Đường lây truyền bệnh đã có sự thay đổi, nguy cơ tăng dịch HIV, đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, xu hướng dịch tăng rõ rệt ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và cảnh báo tăng ở các nhóm khác.

Bên cạnh đó, gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex (sử dụng chất khi quan hệ tình dục), quan hệ tình dục tập thể,… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó. Trong khi đó, hiện nay người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng", ông Đức nói.

Để tiếp cận với những nhóm nhiễm HIV mới, nhiều tổ chức xã hội cũng tổ chức các chương trình truyền thông, tư vấn HIV. Trong đó, có nhóm cộng đồng người chuyển giới nữ (VENUS), hay các phòng khám dành cho cộng đồng LGBT, cung cấp PrEp (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV),… giúp những người trong cộng đồng nguy cơ cao như MSM có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm