9 tuổi đã phải vừa học vừa làm để “gánh” cả gia đình

Kim Ngọc
26/04/2021 - 13:31
9 tuổi đã phải vừa học vừa làm để “gánh” cả gia đình

Gift Phiri, 9 tuổi. Ảnh: The Guardian

Gift, 9 tuổi ở Malawi, phải vừa học vừa làm để kiếm tiền giúp gia đình sau khi chỗ dựa cho cả nhà là ông nội cậu bé qua đời. Tình trạng bỏ bê trẻ em và nạn tảo hôn đang gia tăng ở Malawi.

Sau một ngày học ở trường tiểu học của Mchengautuwa, thành phố Mzuzu, miền bắc Malawi, Gift Phiri, 9 tuổi về nhà bắt đầu công việc làm bếp lò. Trong khi những đứa trẻ khác vui chơi hoặc xem phim hoạt hình ở nhà sau giờ học thì cậu bé phải đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Cậu bé vừa học, vừa làm kiếm tiền nuôi cả gia đình

Công việc của Gift là dùng búa đóng những tấm kim loại sắc thành bếp lò. Gift sống với bà ngoại, hai em và một người họ hàng khác. Cậu biết về công việc làm bếp lò sau do được ông dạy hồi năm 6 tuổi.

Ông của Gift, trụ cột duy nhất của gia đình, đã qua đời vào đầu năm nay sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Vì vậy Gift đã trở thành người đảm đương trách nhiệm này.

"Khi còn sống, chồng tôi là người lo cho gia đình bằng công việc làm bếp lò. Bây giờ, tôi chỉ có thể trông cậy vào tay nghề của Gift", bà của Gift, Rachael Banda, 57 tuổi, cho biết.

Trước khi chuyển đến sống với ông bà, Gift sống với bố mẹ cho đến khi họ ly hôn.

"Cha của Gift đã bỏ đi ngay sau khi ly hôn và tôi không biết hắn ta ở đâu và hắn ta cũng chưa bao giờ liên lạc với chúng tôi. Con gái sống cùng chúng tôi một thời gian nhưng sau khi thấy điều kiện sống của chúng tôi khó khăn, nó đã ra ngoài tìm việc làm nhưng hiếm khi liên lạc về. Tôi đoán con tôi cũng đang gặp khó khăn", bà Banda nói.

Bà chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất đau đớn khi tôi đã chăm sóc cái và bây giờ tôi phải chăm thêm cháu. "Nhưng Gift là cháu của tôi, tôi có thể làm gì?"

Cậu bé 9 tuổi “gánh” cả gia đình bằng công việc làm bếp lò - Ảnh 1.

Gift chăm chỉ làm bếp lò trong ngôi nhà chật chội. Số tiền kiếm được từ việc bán bếp giúp mua thực phẩm cho gia đình.

Gift và những thành viên khác sống một ngôi nhà nhỏ với một phòng ngủ, nền và tường bằng đất, mái lợp bằng tôn, cỏ và bao ni lông. Phòng khách của ngôi nhà chỉ đủ cho năm người. Đây không chỉ là nơi ngủ của Gift và các anh chị em mà còn là nơi để những tấm kim loại và sắt dùng làm bếp. Vào ban ngày, căn phòng cũng chính là nhà bếp.

Gift nói rằng cậu bé có thể làm được tới 10 chiếc bếp mỗi ngày, nhưng điều đó khiến Gift có ít thời gian làm bài tập về nhà. Bà của cậu bán 1 chiếc bếp như vậy với giá khoảng 1$. Nhưng ngày càng có nhiều người làm công việc này, khiến nhu cầu mua giảm xuống. Trước đây, một ngày bà Gift bán được 5 chiếc bếp nhưng hiện tại bà chỉ còn bán được một hoặc hai, và hầu như không đủ tiền để mua thực phẩm.

"Khi ông dạy cháu, cháu còn rất nhỏ và cháu chỉ coi đó như một trò chơi", Gift nói. "Nhưng bây giờ cháu hiểu rằng cháu cần phải làm việc để gia đình có thức ăn, có đồng phục và tập sách đi học. Cháu rất mệt, cháu đã nhiều lần bị thương trong khi làm việc. Cháu không có thời gian để vui chơi"

Tình trạng bỏ bê trẻ em trong các gia đình hôn nhân đổ vỡ

Charles Mzomera Ngwira, người đứng đầu khu vực, lo ngại về những đứa trẻ như Gift vì nhiều gia đình có thể sẽ phải chịu đói nếu không bán được bếp. Ông nhấn mạnh: "Cần có những điều luật nghiệm ngặt hơn để bảo vệ trẻ em, ngay cả khi cha mẹ chúng đã ly hôn".

Bộ trưởng phúc lợi xã hội của chính phủ, Bà Patricia Kaliati, cho biết việc những người chồng trốn tránh trách nhiệm với con cái sau khi ly hôn ngày nay càng phổ biến. Bà cho biết chính phủ muốn những gia đình gặp trường hợp như vậy đến trình báo để được giúp đỡ.

"Họ có thể đến các văn phòng phúc lợi xã hội của huyện và họ sẽ được hỗ trợ. Họ thậm chí có thể liên lạc với tôi, điện thoại của tôi luôn mở", Kaliati nói.

Cậu bé 9 tuổi “gánh” cả gia đình bằng công việc làm bếp lò - Ảnh 2.

Gift và bà đứng trước ngôi nhà nhỏ của họ tại Mchengautuwa ở Mzuzu, Malawi

Theo Eye of the Child, một dự án của Firelight Foundation - tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, tình trạng bỏ bê trẻ em đang gia tăng, cùng với đó là sự gia tăng nạn tảo hôn ở trẻ em gái. Hơn 40% trẻ em gái ở Malawi kết hôn dưới 18 tuổi.

"Bỏ bê trẻ em là một vấn đề lớn của đất nước và chúng tôi đã xử lý nhiều trường hợp về vấn đề này, thường là những người cha không chịu trách nhiệm với con cái", Memory Chisenga, nhân viên truyền thông của một tổ chức thiện nguyện nói.

"Một cô gái trẻ đang mang thai và kết hôn với một người đàn ông trẻ khi không đủ kinh tế chăm lo cho gia đình, hay chưa sẵn sàng làm cha và thậm chí không hiểu vai trò của người cha hay pháp luật nói gì về quyền làm cha và nuôi con. Và cuối cùng những người mẹ là người duy nhất chịu trách nhiệm về đứa trẻ. Kết quả là có rất nhiều trẻ em được sinh ra; một số sống trên đường, và một số thiếu các nhu cầu cơ bản", cô nói.

Theo Luật hôn nhân, ly hôn và quan hệ gia đình năm 2015 của Malawi, khi ly hôn, cả hai vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và cùng nuôi con. Nhưng hầu hết các cuộc hôn nhân diễn ra theo thông lệ và rất ít phụ nữ biết rằng họ có thể yêu cầu bồi thường hoặc cấp dưỡng cho con cái sau khi ly hôn hợp pháp. Nhiều phụ nữ chọn tái hôn do các vấn đề liên quan đến tài chính.

Dữ liệu về về tỷ lệ ly hôn của Malawi rất hạn chế, nhưng theo một nghiên cứu năm 2003, tỷ lệ ly hôn là từ 40% đến 65% và tái hôn là một việc phổ biến.

Cậu bé 9 tuổi “gánh” cả gia đình bằng công việc làm bếp lò - Ảnh 3.

Gift ở trường tiểu học Mzuzu. Giáo viên cho biết Gift là một cậu bé rất thông minh.

Nói về ước mơ của mình, Gift chia sẻ: "Sau này, cháu muốn trở thành một giáo viên vì giáo viên trông tri thức và hiểu biết rất nhiều thứ".

"Gift là một học sinh rất thông minh, chăm chỉ và thân thiện," giáo viên tại trường tiểu học ở Mchengautuwa, Annie Kalasa, nói. "Gift luôn chăm chỉ đi học và sẵn sàng tham gia các hoạt động trong lớp".

Giáo viên của Gift chia sẻ: "Tất nhiên, tôi hiểu hoàn cảnh không may của Gift nhưng tôi rất vui khi Gift còn có bà ngoại. Chúng tôi cũng có những học sinh khác giống hoàn cảnh của Gift. Chưa kể, cha mẹ của một số học sinh khác còn không đủ tiền để mua khẩu trang".

Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm