Fipronil từng trở thành tiêu điểm về an toàn thực phẩm tại EU vào mùa hè năm 2017 khi hàng triệu quả trứng bị thu hồi đột ngột trên khắp châu Âu.
Việc dùng loại thuốc trừ sâu có tác dụng độc hại nếu hấp thụ lượng lớn này đã bị cấm sử dụng cho các loại động vật trong chuỗi thức ăn ở châu Âu. Nguyên nhân của lệnh cấm trên phát sinh từ việc nhiều nhà sản xuất trứng đã bị phát hiện phun hóa chất trên trong trang trại của họ để diệt chấy rận.
Từ ngày 1/9 đến ngày 30/11/2017, các nước thành viên EU đã được Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) yêu cầu cung cấp các mẫu trứng, mỡ và thịt gà để phân tích. Ngoài Fipronil, EFSA cũng muốn thử nghiệm các loại thuốc diệt chấy và ve Acaricide khác.
Nhìn chung, kết quả cho thấy 5.439 mẫu đã được nộp cho EFSA. Trong số đó, 742 mẫu chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn pháp lý, hầu như tất cả đều liên quan đến trứng gà nhiễm Fipronil và chưa qua chế biến (601 mẫu). Bên cạnh đó, 134 mẫu mỡ gà, 5 mẫu thịt và 2 mẫu bột trứng gà cũng bị phát hiện có chứa nồng độ cao các chất hóa học ở mức bất hợp pháp.
Trong đó, 664 mẫu (tương đương gần 90%) có mức dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn pháp lý có nguồn gốc từ Hà Lan. 40 mẫu (chiếm 5%) có nguồn gốc ở Ý và 13 mẫu (chiếm 2%) đến từ Đức.
Ngoài ra, báo cáo mà EFSA đưa ra cũng tiết lộ rằng trong số 5.439 mẫu được gửi, Hà Lan “đóng góp” nhiều nhất với 2.111 mẫu (chiếm 38%), còn Ý đứng thứ 2 với 678 mẫu (chiếm 12%).
Trong kết luận báo cáo, EFSA khẳng định thuốc trừ sâu Fipronil là hóa chất bị lạm dụng thường xuyên nhất tại EU và sẽ sớm được đưa vào giám sát chặt chẽ hơn: “Tổ chức khuyến cáo rằng, Fipronil và các Acaricide khác sẽ được đưa vào hoạt động giám sát trong tương lai của các nước thành viên”.