9x chọn nghề thợ hàn: 'Thà làm thợ tốt hơn là cử nhân tồi'

31/07/2018 - 07:00
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Công Cương (SN 1997) đã chủ động đăng ký học trường Cao đẳng Nghề Việt Nam-Hàn Quốc, TP Hà Nội, với suy nghĩ, thà làm người thợ tốt hơn là một cử nhân tồi. Thực tế sau 3 năm học, Cương thấy mình đã quyết định đúng.
Quê ở huyện Đông Anh, khi còn là học sinh trường THPT Đông Anh, hàng ngày tan học, Cương vẫn thường đi ngang qua trường Cao đẳng Nghề Việt Nam-Hàn Quốc đóng ngay trên địa bàn. “Thấy trường được xây dựng khang trang, em đã thấy mình bị cuốn hút và bắt đầu tìm hiểu về trường.
 
Em nghĩ, nếu có một trường dạy nghề tốt ngay gần nhà thì tại sao mình cứ phải tìm kiếm cơ hội thành công ở tận đâu”. Cương càng quyết tâm hơn khi biết rằng, so với học đại học, thời gian học nghề ngắn hơn, học phí thấp nên sẽ giúp gia đình làm nông của Cương tiết kiệm chi phí hơn; đặc biệt, cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng nhiều.
 
Đó là lý do sau khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Cương đã không nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học dù cơ hội học đại học đang ngày càng rộng mở. Cương là con cả trong gia đình có 3 anh em. Vì thế bố mẹ Cương tất nhiên mong muốn con trai trưởng thành để còn làm gương cho các em.
 
Nhưng, khi biết quyết định của Cương, bố mẹ đều không phản đối mà còn ủng hộ. Cương chia sẻ, đó là bởi bố mẹ hiểu nếu giỏi nghề, Cương hoàn toàn có thể thành công mà không cần phải học đại học như quan niệm của số đông người khác.
 
Sau khi nghiên cứu, Cương đã chọn học khoa Công nghệ hàn của trường Cao đẳng Nghề Việt Nam-Hàn Quốc. Vì xác định đây là con đường tương lai của mình nên ngay từ năm đầu tiên, Cương đã tập trung học rất nghiêm túc. Ngoài giờ học lý thuyết trên lớp, Cương còn tự tìm hiểu thêm về ngành mình theo học qua sách báo, internet và đặc biệt là chăm chỉ thực hành trên hệ thống thiết bị hiện đại của nhà trường. Cương nhớ lại, trung bình mỗi ngày, Cương dành từ 8 đến 10 tiếng để tập hàn.
 
Trước đây, để hàn được 1 ống thép phi 90, Cương phải hàn trong hơn 1 giờ đồng hồ. Sau đó, thời gian hàn cũng giảm dần xuống chỉ còn từ 30 đến 40 phút. Mối hàn cũng đẹp hơn, mịn hơn chứng tỏ tay nghề hàn của Cương ngày một cao. Nhiều người hỏi Cương không thấy chán hay mệt mỏi khi suốt ngày gắn với công việc đó, Cương tự tin đáp: Khi có lòng đam mê và quyết tâm thì Cương không bao giờ mệt. Cương yêu thích công việc hàn và muốn mình phải thành một thợ giỏi nghề. 
cuong-3.jpg
Nguyễn Công Cương (giữa) giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi tay nghề Quốc gia năm 2018

 

Năm 2018, Cương đã được trường chọn cử đi thi tay nghề Thành phố và giành giải Nhất. Với thành tích này, Cương lại được thành phố chọn đại diện tham dự Kỳ thi tay nghề Quốc gia năm 2018 và đã giành tấm Huy chương Vàng quý giá.
 
Cương cho biết, tham gia kỳ thi quốc gia về công nghệ hàn, các thí sinh làm 3 bài thi 3 bài hàn phôi thép, nhôm và inox theo bản vẽ cho sẵn. Trong đó, thời gian hàn thép kéo dài 5,5 tiếng; hàn nhôm và inox là 1,5 tiếng. Để có thể hoàn thành bài thi, thí sinh phải hiểu rõ về kết cấu của từng loại vật liệu. Mối hàn đẹp phải liên tục, bóng, không bị cháy cạnh, cuốn chỉ hàn. Và để có thể hàn đẹp thì cách duy nhất là thí sinh phải thực hành nhiều để đạt tới độ thuần thục.
 
Đặc biệt, độ khó của bài thi ở chỗ, thí sinh ngoài chứng tỏ tay nghề hàn còn cần tới sức bền cơ thể. Trong suốt quá trình hàn kéo dài nhiều tiếng thi, thí sinh không được sử dụng quạt vì sẽ làm bay khí bảo vệ mối hàn. Trong khi đó, nhiệt độ trong cabin hàn khá cao, có thể lên tới hơn 40 độ C, thí sinh lại phải mặc đồ bảo hộ dày che kín người. Ngay trong cuộc thi, đã có thí sinh đội bạn không chịu nổi sự khắc nghiệt mà phải bỏ cuộc. Còn Cương, thì chỉ biết tập trung làm bài thi cho tốt tới mức quên cả nóng bức.
 
Cương chia sẻ với các bạn trẻ: “Đã qua rồi thời kỳ bạn trẻ coi học nghề là phương án cuối cùng khi bị trượt đại học. Thêm nữa, điều kiện học nghề hiện nay cũng rất tốt, học viên được thực hành trên hệ thống trang thiết bị hiện đại nên sinh viên ra trường có thể bắt tay vào làm việc ngay tại nhiều nhà máy, xí nghiệp. Vì thế, bạn trẻ đừng vì cố học đại học để lấy tấm bằng cử nhân mà chấp nhận học sai ngành, sai nghề, rồi sau lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Tuy nhiên, đã chọn đi học nghề, thì bạn trẻ phải có thái độ nghiêm túc, khổ luyện chứ không có thành công nào tự đến với mình”.
 
Hiện nay, Cương lại bắt tay tập luyện nghiêm túc để chuẩn bị bước vào kỳ thi tay nghề ASEAN. Kết quả kỳ thi ra sao là chuyện tương lai nhưng trước mắt, đã có một số doanh nghiệp đặt vấn đề “xin” Cương vào làm việc với mức lương cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm