Có một nỗi ám ảnh trong tôi mang tên “Không còn mùa thu” với những ca từ và giai điệu chậm buồn, khắc khoải của Lê Quốc Dũng và Việt Anh:
Không còn mùa thu trăng rơi bên thềm
Không còn lời ru, mơ trên môi mềm
Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu…
Tôi chẳng nhớ lần đầu tiên nghe bài hát này là khi nào, nhưng cái thời điểm để bài hát trở nên gắn bó máu thịt, để thành nỗi ám ảnh, để cảm nhận hết được những da diết mênh mang và sức lan tỏa của âm nhạc - thì tôi rất nhớ. Ấy là trong những khoảnh khắc chia tay cuối cùng của thời sinh viên, tôi đã hát cùng những gương mặt bạn bè thân quen. Bài hát này không phải là ca khúc thích hợp để hát tập thể - nhưng tất cả hơn 40 gương mặt từng có chung biết bao kỷ niệm buồn vui ở giảng đường đã cùng cất cao, hòa chung tiếng hát. Và thật lạ kỳ, những lời ca ấy vẫn cứ ăn khớp, quyện hòa vào nhau, da diết…
Anh làm mùa thu, cho em mơ màng
Anh làm lời ru, quấn quýt bên nàng
Em đi, tiếc gì thu vàng, tiếc gì xuân sang…
Vẫn biết ca khúc này viết sự nuối tiếc trong tình cảm đôi lứa: Người con gái quay lưng bước đi, chọn cho mình một hành trình mới, bỏ lại bên thềm trăng rơi vụn vỡ, khô héo trên môi những khúc ru tình. Người con trai tự vấn lòng mình theo những luyến tiếc và bước chân dần xa của người đi… Nhưng với tôi, vóc dáng của bài hát vượt xa khỏi những nuối tiếc cá nhân bình thường ấy, trở thành sự lưu luyến, nuối tiếc về những khoảnh khắc đẹp, bình yên đã, đang và sẽ qua đi trong đời của mỗi con người.
Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời
Còn thương nhớ nhau, từng đêm bão tố
Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về
Đoạn điệp khúc ấy vút lên. Những yêu thương òa vỡ… Cụm từ “còn thương nhớ nhau” lặp đi lặp lại như nhắc nhớ, khắc sâu vào tim người đi và người nghe những hy vọng dẫu mong manh nhưng không bao giờ cạn - 'Về thắp sao trời' ru ấm đời nhau, về gom nhặt lại những yêu thương thuở ban đầu, với “tóc ướt trăng thề”, với “từng đêm bão tố” cùng những lời yêu vụng về chưa kịp thổ lộ…
Đường ta đã qua, chìm khuất chân trời
Đường ta sẽ qua, nào ai biết tới
Chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru buồn lên thơ
Những yêu thương như sóng, vẫn tiếp tục không ngừng vỗ và vút lên theo những lời hát ấy… Đến đây thì những cảm giác mất mát và chia xa hiện hữu cụ thể lắm rồi, với hình ảnh về một con đường 'ta đã qua' và 'ta sẽ tới'…
Ca sĩ Thu Phương lay động trái tim người nghe bằng sự luyến láy tinh tế và cảm xúc dạt dào
'Đường ta đã qua' sau những khoảnh khắc ngập ngừng lần cuối của chia ly này, rồi sẽ nằm lại, 'chìm khuất chân trời', có thể sẽ lăn vào một ngăn kéo nào đó mang màu của lãng quên, phôi pha. 'Đường ta sẽ qua' thì cứ dài và xa tít tắp, mặc định những đau khổ và hạnh phúc, những thất bại và thành công mà ta chẳng hề biết trước được. Rồi ai sẽ hiểu được những buồn vui phía trước ấy, sẽ đồng cảm, chia sẻ, sát cánh cùng ta?
Ta cứ mơ hồ và miên man theo những giai điệu khắc khoải ấy, để rồi quay trở về với thực tại khi chiều đã buông theo những cung nhạc buồn đầy ắp trong lòng. Buồn nhưng không hề bi lụy, buồn để trái tim biết nhắc nhớ đến nhau, sẽ vì nhau, vì những kỷ niệm đầy ắp vui - buồn đã có mà sống tốt hơn trong cuộc đời.
Tôi gọi tình yêu và sự gắn bó của mình với những giai điệu này của Việt Anh là nỗi ám ảnh 'Không còn mùa thu', bởi có những khi một mình, vô tình nghe được những giai điệu chậm buồn ấy thôi là cả một trời kỷ niệm với những nhớ nhung, luyến tiếc tràn về, ứ đầy trong tâm trí. Tôi hát, và đắm mình thực sự. Mỗi lần hát là mỗi lần thấy lòng mang những cảm xúc khác nhau, trôi theo cái tình quyện hòa, lan tỏa trong bài hát, để trái tim nào đó phải chia xa sẽ khắc khoải: 'Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời…'.