pnvnonline@phunuvietnam.vn
Amiang có trong tấm lợp xi măng ở Việt Nam: Chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm
Amiang là silicat kép của Can xi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2 có trong tự nhiên. Theo phân loại khoa học, Amiang gồm 02 nhóm:
- Nhóm Serpentine (Amiang trắng) hay còn gọi là sợi Amiang còn tiêu thụ trong các sản phẩm thương mại trên thị trường. có dạng xoắn và cũng là loại sợi Amiăng duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay. Trong khi trên thế giới, ở một số nước phát triển đã cấm tiêu thụ Amidan dưới mọi hình thức.
- Nhóm Amphibole gồm: Actinolite, Amosite (Amiăng nâu), Crocidolite (Amiăng xanh), Tremolite, Anthophylite. Nhóm sợi Amphibole có cấu tạo dạng thẳng, hình kim, gọi chung là Amiang màu đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và không còn lưu thông từ cách đây 20 năm.
1. Amiang ở Việt Nam có nhiều trong tấm lợp fibro xi măng (tấm lợp A-C)
Ở Việt Nam, nhóm Amiang trắng vẫn được sử dụng nhiều, chủ yếu là để sản xuất tấm lợp fibro xi măng với nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), amiang - kể cả amiang trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe, có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp Amiang vào nhóm chất gây ung thư ở người.
Theo số liệu thống kê của Cục quản lý môi trường y tế (thuộc Bộ Y Tế), từ 10 năm nay, Việt Nam luôn đứng trong top 10 quốc gia tiêu thụ Amiang nhiều nhất thế giới. Trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn Amiang nguyên liệu. Năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6) và top 5 các nước châu Á sử dụng Amiang.
Chưa kể đến các công nhân làm trong các nhà máy sản xuất tấm lợp chứa Amiang vào khoảng 5000 người; hàng nghìn người dân sống dưới mái nhà được làm từ Amiang.
Mặc dù ở Việt Nam nhiều đơn vị sản xuất vẫn cho rằng tấm lợp fibro xi măng không gây hại cho người sử dụng. Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia, Amiang thuộc nhóm chất gây ra ung thư, do vậy việc cấm sử dụng loại chất này là hoàn toàn hợp lý.
2. Tác hại ngắn hạn và lâu dài của Amiang
Khi tiếp xúc với amiang, sợi amiang có kích thước nhỏ mảnh dễ di chuyển vào trong phổi và gây ra các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh bụi phổi, xơ phổi, lâu dần có thể khiến bệnh nhân bị suy hô hấp và tử vong nhanh.
Đối với bệnh ung thư, việc phát hiện các biểu hiện sớm là rất khó. Các bệnh về phổi khác như xơ phổi, bụi phổi, ung thư phổi thường rất khó phân biệt và có diễn biến phức tạp. Bệnh nhân mắc các vấn đề về phổi thường ho nhiều, mức độ ho tăng dần, sụt cân, khó thở.
Nguy hiểm hơn, nếu amiang nhiễm theo đường tiêu hóa đi vào máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư như ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt,ung thư buồng trứng.
Amiang dạng sợi khi bị vỡ, đứt gãy sẽ trở thành bụi siêu nhỏ bay trong không khí. Con người thường hít phải Amiang qua đường thở và đường miệng, trẻ nhỏ và người già tiếp xúc trong không khí rất dễ bị bệnh.
Tổn thương do hít phải Amiang là tổn thương vĩnh viễn, không hồi phục và tiến triển phức tạp. Khi bụi Amiang đi vào đường thở rồi xâm nhập vào phổi và di chuyển đến tận màng phổi.
Khi đến màng phổi, bụi amiang không chỉ gây ra xơ vôi màng phổi khiến bệnh nhân thở khó khăn, đau ngực, thiếu oxy mà thậm chí còn gây ra ung thư trung biểu mô màng phổi. Hướng điều trị các bệnh phổi do Amiang hiện nay chỉ có phương pháp giảm nhẹ triệu chứng và dùng thuốc giảm ho, long đờm.
Nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn đang sử dụng mái tôn xi măng có chứa Amiang trắng
3. Cách hạn chế tác hại khi tiếp xúc với Amiang
Bởi bụi Amiang chủ yếu thông qua đường không khí và hít vào bằng mũi, miệng. Do vậy nếu không may tiếp xúc với Amiang, cần hạn chế hít bằng mũi, miệng, bịt khẩu trang dày khi đi qua nơi có Amiang.
Nếu công nhân làm việc trong nhà máy cần phải có bảo hộ lao động như mặt nạ, khẩu trang đúng chuẩn để ngăn cho bụi không đi vào đường miệng và thở. Công nhân trong các nhà máy sản xuất tấm lợp xi măng cần đi chụp phổi định kỳ, ít nhất 1 năm/ 1 lần. Chụp phổi định kỳ giúp phát hiện những thay đổi trong phổi.
Công nhân làm tại các nhà máy sản xuất tấm lợp cần kiểm tra phổi định kỳ
Ở Việt Nam, Amiang đang có nhiều trong các sản phẩm fibro xi măng. Do vậy, gia đình chuẩn bị xây nhà không nên dùng tấm lợp này. Nếu sửa nhà, không nên đập vụn tấm fibro xi măng sẽ sản sinh ra bụi, tiếp xúc ngắn cũng gây ra tác hại nguy hiểm. Tốt nhất, nên thuê các đơn vị tháo dỡ và sửa nhà chuyên nghiệp, am hiểu các vật liệu độc hại để có phương án xử lý an toàn.