pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn cùi dừa có béo không? Nên ăn như thế nào là tốt nhất?
Dừa là một loại trái cây rất phổ biến tại Việt Nam, nổi tiếng ở Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trên thị trường bán nhiều cùi dừa già, ăn giòn giòn, ngọt nhẹ rất dễ ăn và hơi ngậy. Vì cùi dừa dễ ăn và hấp dẫn như vậy nên nhiều người, nhất là các bạn gái thường lo lắng liệu ăn cùi dừa có béo không.
1. Ăn cùi dừa có béo không?
Cây dừa được con người tận dụng từ thân, xơ đến quả, lá. Quả dừa rất hữu ích với con người, có nhiều tác dụng. Cùi dừa (còn gọi là cơm dừa) là thực phẩm mà dù ăn ngay hay chế biến thành các món ăn khác cũng đều rất ngon.
Cùi dừa non sẽ mềm hơn, nhạt và cảm giác ít béo hơn khi ăn, được nhiều người ưa thích. Có thể sử dụng cùi dừa để chế biến nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn, trong đó có những món truyền thống trong ẩm thực Việt Nam như: kẹo dừa, thịt kho cùi dừa, mứt dừa... hay làm thành nước cốt dừa, dầu dừa...
Cùi dừa cung cấp nguồn năng lượng lớn, trong 100g cùi dừa già chứa tới gần 400 kcal, cụ thể là 368 kcal/100g. Cùi dừa non vì chất dinh dưỡng tích tụ chưa nhiều, nên chứa lượng calo thấp hơn hẳn, khoảng 40 kcal/100g. Đối với cùi dừa sấy khô còn có thể chứa tới tận 700 kcal/100g, gần gấp đôi so với cùi dừa tươi.
Trong khi đó, mỗi ngày, để cơ thể hoạt động bình thường, cần lượng calo trung bình là 2000kcal, tức là lượng calo mà cùi dừa cung cấp là rất lớn với cơ thể. Không những thế, loại dừa sáp còn có nhiều calo hơn nữa so với các loại dừa khác.
Không chỉ chứa nhiều năng lượng mà cùi dừa còn bổ sung rất nhiều loại dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Các vitamin và khoáng chất trong cùi dừa gồm có: Nhóm vitamin B (vitamin B1, 2, 3, 5, 6, 9), vitamin C, sắt, magie, kẽm, canxi... Hơn nữa, lượng lớn chất xơ của cơm dừa giúp giảm hàm lượng cholesterol có trong máu, từ đó góp phần phòng tránh những bệnh về sức khoẻ tim mạch.
Ngoài ra, cùi dừa còn chứa một lượng chất béo lớn, có thể sản xuất dầu dừa từ những miếng cùi dừa. Dầu dừa vừa có thể sử dụng cho các món ăn khác, vừa có tác dụng trong làm đẹp, đặc biệt tốt cho da, tóc và móng. Tuy nhiên, chất béo trong cùi dừa là chất béo no, rất dễ tích tụ thành mỡ trong cơ thể, gây tăng cân và tác động tiêu cực cho sức khoẻ.
Vì cùi dừa chứa nhiều calo và mang chất béo no như vậy, nên ăn cùi dừa có thể gây béo. Bên cạnh đó, chất béo này của cùi dừa còn dễ gây ra tình trạng khó tiêu, đầy bụng. Bởi thế, không nên ăn quá nhiều thực phẩm này .
2. Cách ăn cùi dừa tốt cho sức khoẻ, không tăng cân
Cùi dừa có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ con người, tuy có thể gây béo nếu ăn nhiều nhưng nếu ăn với lượng vừa đủ và khoa học sẽ giúp cơ thể thêm khoẻ mạnh.
2.1. Ăn cùi dừa non
Thực tế cùi dừa non chứa lượng calo khá nhỏ, nhỏ hơn nhiều lần so với cùi dừa già, lại rất mềm và ngon, chứa nhiều dinh dưỡng có lợi với cơ thể, nên có thể an tâm ăn cùi dừa non mà không sợ tăng cân. Cùi dừa thường ăn kèm với nước dừa, đây là thức uống, món ăn vừa vô cùng hấp dẫn được nhiều người yêu thích, vừa giúp cải thiện sức khoẻ.
2.2. Không nên ăn nhiều cùi dừa sấy khô, không ăn cùi dừa vào ban đêm
Như đã phân tích ở trên, lượng calo chứa trong những miếng cùi dừa khô là rất lớn, nên cùi dừa khô thường chỉ được sử dụng để ăn kèm cùng những món ăn khác như các món chè hay kem. Nếu dùng dừa khô để như một món ăn vặt thì rất dễ tăng cân và dễ béo.
Mặt khác, cũng như mọi loại thức ăn khác, các bạn không nên ăn vào buổi đêm, vì như thế khả năng bị béo phì là cao hơn. Cùi dừa có năng lượng cao, lại chứa chất béo và nhiều chất dinh dưỡng khác nên cần nhiều thời gian tiêu hoá và chuyển hoá, nếu ăn vào ban đêm không những ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá mà còn dễ tích tụ mỡ khi đi ngủ.
Tuy nhiên, nếu bạn đang ăn kiêng thì mỗi tuần vẫn có thể bổ sung 100g cùi dừa. Nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong tuần.
3. Các tác dụng khác của cùi dừa đối với sức khỏe
Mặc dù dễ gây tăng cân nhưng cùi dừa cũng có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ con người:
- Tốt cho tiêu hoá, ngăn ngừa táo bón: Ăn quá nhiều cùi dừa có thể gây khó tiêu, nhưng ăn cùi dừa với lượng vừa phải sẽ có lợi cho hệ tiêu hoá. Đặc biệt ăn cùi dừa non giúp tiêu hoá tốt, chống táo bón, ngăn ngừa viêm loét dạ dày, thành ruột.
- Tốt cho tim mạch: Chất xơ trong cùi dừa giúp làm giảm lượng cholesterol trong máu, đảm bảo sức khoẻ hệ toàn hoàn, tim mạch, ngăn ngừa các bệnh về tim, cao huyết áp.
- Tốt cho não bộ: Trong cùi dừa chứa nhiều loại chất dinh dưỡng tốt cho não bộ, giúp an thần, gia tăng sự tập trung và tỉnh táo, có khả năng làm giảm sự phát triển của bệnh Alzheimer.
- Làm đẹp: Các chất dinh dưỡng trong cùi dừa rất tốt trong việc chăm sóc da, cải thiện các sắc tố trên da, giúp da sáng hơn, trắng mịn, mềm mại. Bên cạnh đó, có thể sử dụng cùi dừa để làm mặt nạ, đắp trực tiếp lên da và tóc.
- Tốt cho bà bầu: Khi mang thai, triệu chứng ốm nghén rất khó khăn và khó chịu với các bà bầu. Việc ăn cùi dừa có thể giúp giảm bớt, cải thiện tình trạng ốm nghén cho chị em. Nên ăn cơm dừa nạo hoặc uống sữa dừa vào buổi sáng để nâng cao sức khoẻ. Không những thế, ăn cùi dừa còn có tác dụng lợi sữa, giúp có thể sản sinh ra lượng sữa nhiều hơn.
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề "Ăn cùi dừa có béo không?". Có thể nói, cùi dừa rất tốt cho cơ thể nhưng chứa chất béo và ăn nhiều có thể gây tăng cân. Vậy nên dù cùi dừa có nhiều tác dụng thế nào, mọi người hãy chú ý ăn điều độ để giữ cân nặng ở mức ổn định.