pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấn Độ: Người phụ nữ thay đổi dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần
Ratnaboli Ray thành lập Anjali, một tổ chức sức khỏe tâm thần có trụ sở tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ
Sau nhiều năm mắc kẹt trong cuộc hôn nhân sắp đặt ngột ngạt, sức khỏe tâm thần của Ratnaboli Ray trở nên trầm trọng vào năm 1997, khi đã ngoài 30 tuổi. "Tôi cảm thấy rất bế tắc và không thể giãi bày lòng mình. Tôi đã từng tức giận, từng khóc lóc và bỏ bê con trai nhỏ", Ray nói từ nhà ở Tây Bengal, đồng thời mô tả các triệu chứng tâm lý giống như một nồi áp suất bị vỡ.
Vào thời điểm đó, Ray là một nhà tâm lý học và đang làm việc trong một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần tư nhân của tổ chức phi chính phủ ở Tây Bengal, vì vậy bà hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Ray được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm trạng nghiêm trọng, phải điều trị và sử dụng thuốc. Sau khoảng một năm rưỡi, tình trạng của Ray dần ổn định. Mặc dù việc suy giảm sức khỏe tâm thần khiến Ray phải nghỉ việc, nhưng điều đó cũng tiếp thêm sức mạnh và đưa bà đến một con đường khác. "Tôi biết ơn sự yếu ớt và mỏng manh của bản thân vì nó đã giúp tôi học cách lên tiếng. Đó là bước đột phá trong cuộc đời tôi".
Hạn chế trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần
Với công việc trước đây, Ray đã chứng kiến những gì bệnh nhân phải trải qua trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần do chính phủ điều hành, nơi dịch vụ chăm sóc tệ hơn nhiều so với các cơ sở tư nhân. Điều kiện ở các bệnh viện tâm thần công vào thời điểm đó không mấy tốt. Bệnh nhân tuyệt thực vì thức ăn quá tệ, việc hoàn toàn khỏa thân hay bị chấy rận là điều bình thường. Bệnh nhân có thể bị cùm chân hoặc nhốt trong phòng giam biệt giam nếu được cho là có thể gây nguy hiểm. Trước những điều này, Ray quyết định hành động.
Ray tin rằng điều kiện của phụ nữ tồi tệ hơn nam giới. Có rất ít nghiên cứu được thực hiện về độ phổ biến của các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc cơ sở vật chất ở Tây Bengal. Vào năm 2016, Khảo sát Sức khỏe Tâm thần Quốc gia của Ấn Độ cho biết, 13% dân số của bang đang sống với các tình trạng như lo lắng, căng thẳng và tâm thần phân liệt, trong khi một nghiên cứu vào 2019 cho thấy, phụ nữ có nhiều khả năng phải ở lại các cơ sở tâm thần nhà nước lâu hơn nhiều năm so với nam giới. Nghiên cứu của Lancet, kéo dài từ năm 1990 đến năm 2017, cho thấy tỷ lệ rối loạn trầm cảm và tự tử ở phụ nữ hơi cao hơn so với nam giới trên khắp Ấn Độ. Nghiên cứu kết luận rằng, điều này "có thể liên quan đến phân biệt giới tính, bạo lực, lạm dụng tình dục, căng thẳng trước khi sinh và sau khi sinh, và các chuẩn mực văn hóa xã hội bất lợi".
Ray tập trung vào việc giúp đỡ các bệnh nhân nữ vì bà nhận thức được tác động của các vấn đề xã hội và bạo lực với phụ nữ ở Ấn Độ. "Là một nhà hoạt động nữ quyền và nhân quyền, tôi nhận thấy tự tử không chỉ là một vấn đề sức khỏe tâm thần, đó còn là một vấn đề liên quan và có các yếu tố xã hội to lớn", Ray nói.
Nỗ lực thay đổi dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần
Ray bắt đầu tiếp cận ủy ban nhân quyền của bang, yêu cầu giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Sau đó vào năm 2000, bà làm việc tại bệnh viện Kolkata Pavlov, bệnh viện chăm sóc sức khỏe tâm thần lớn nhất của chính phủ ở Tây Bengal.
Ray đi làm vào 8 giờ sáng hằng ngày, đến khu tâm thần nữ và tập hợp 6 nữ bệnh nhân. Ray cùng các bệnh nhân ca hát, trò chuyện, vui chơi và lắng nghe những câu chuyện của họ. Bà đã giúp đỡ một phụ nữ bị người yêu bỏ rơi, người đã ở tại bệnh viện trong 3 năm và hơn 20 phụ nữ khác về lại gia đình trong năm đầu tiên làm việc tại bệnh viện Kolkata Pavlov.
Ray tiếp tục làm việc tại các bệnh viện ở Tây Bengal và sau đó, bà thành lập Anjali, một tổ chức nhằm hiện đại hóa các phương pháp điều trị và chấm dứt sự kỳ thị đối với sức khỏe tâm thần, cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng cho bệnh nhân để giúp họ tái hòa nhập xã hội. Điều này bao gồm phát triển một phòng giặt là nhỏ trong bệnh viện Kolkata Pavlov, nơi bệnh nhân được trả lương khi làm việc; một tiệm bánh mì, một căng tin nhỏ và một studio in tay bằng khuôn trong khuôn viên bệnh viện.
Ray sinh năm 1961 trong một gia đình trung lưu. Bà được giáo dục về các giá trị tự do, được truyền cảm hứng từ phong trào dân quyền. Ray học thạc sĩ tâm lý học lâm sàng và bước vào một cuộc hôn nhân sắp đặt khi mới ngoài 20 tuổi. Ray và chồng có một con trai, trước khi hai người ly thân và ly hôn. "Ở Tây Bengal, bạn không kết hôn với một người mà kết kết hôn với cả gia đình họ. Điều này là một áp lực lớn, tôi cuối cùng nhận ra rằng đó là một cuộc hôn nhân gia trưởng".
Trong suốt sự nghiệp, Ray, người hiện 60 tuổi đã nổ lực để làm sáng tỏ một số vụ vi phạm nhân quyền trong bệnh viện. Bà thành công vận động hành lang trong việc thay đổi luật, bao gồm việc bệnh nhân bị nhốt trong phòng biệt giam và liệu pháp sốc điện mà không có sự đồng ý ở bang Tây Bengal. Trong 20 năm, điều kiện ở các bệnh viện tâm thần đã được cải thiện và hiện cũng có nhiều tổ chức vận động cho quyền của bệnh nhân tâm thần hơn. Tuy nhiên với Ray, vẫn còn phải thực hiện thêm nhiều điều nữa. Ở một quốc gia với dân số hơn một tỷ người như Ấn Độ, việc thay đổi vấn đề kỳ thị và củng cố nguồn lực về sức khỏe tâm thần vẫn còn là điều khó khăn. "Tôi sẽ không thấy được sự thay đổi trọn vẹn của cuộc đời mình vì đó là một quá trình liên tục", Ray nói.