pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn đu đủ nở ngực, chuối giúp nhuận tràng liệu có đúng?
Thức ăn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và con người cần ăn để sống. Tuy nhiên, đôi khi thức ăn còn được con người kỳ vọng như một bài thuốc hay một cách nào đó để giúp cơ thể hoàn thiện hơn chẳng hạn như: ăn chuối có thể nhuận tràng, ăn đu đủ giúp nở ngực,...
Một số thực phẩm quả thực có những công dụng mà con người luôn mơ ước như trị bệnh, làm đẹp, tuy nhiên không phải bất cứ thực phẩm nào cũng có tác dụng như mọi người tưởng.
Dưới đây là 5 lầm tưởng lớn về tác dụng của thực phẩm mà nhiều người vẫn tưởng đúng suốt chục năm qua.
1. Ăn chuối giúp nhuận tràng?
Khi bị táo bón, phản ứng đầu tiên của nhiều người là ăn vài quả chuối, nhưng trên thực tế, chuối có rất ít tác dụng cải thiện tình trạng táo bón, thậm chí một số người còn dễ bị táo bón nếu ăn vào.
Trước hết, chuối có chứa axit tannic, loại chất này có tác dụng làm se rất mạnh, dễ làm phân khô cứng, gây táo bón, nhất là chuối còn xanh, cứng và chưa trưởng thành có chứa axit tannic càng cao.
Nhiều người tin rằng chuối có thể làm dịu chứng táo bón chủ yếu nhờ vào chất xơ nhưng trên thực tế, hàm lượng chất xơ trong chuối không nhiều bằng táo và thanh long. Hơn nữa, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón và sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột chiếm tỷ lệ lớn hơn.
2. Ăn đu đủ có thể giúp ngực nở?
Nhiều người đã cho rằng đu đủ có thể làm nở ngực. Ngoài ra một số người còn tin rằng một loại enzyme papain và vitamin A trong đu đủ có thể kích thích tiết hormone nữ và giúp ngực phát triển to hơn.
Thực tế, papain trong đu đủ là một loại protease có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ protein, nhưng sau khi vào cơ thể người sẽ bị pepsin phân hủy, nên chỉ còn một lượng nhỏ, còn vitamin A thì không kích thích tiết ra estrogen .
Tuy đu đủ không có tác dụng làm nở ngực nhưng đu đủ cũng rất có lợi cho sức khỏe. Đu đủ giàu hơn 17 loại axit amin và nhiều loại chất dinh dưỡng như kali, magie… và đu đủ có hàm lượng đường thấp, lượng calo ít nên có lợi cho việc kiểm soát cân nặng.
3. Chanh có thể làm trắng da không?
Chanh có chứa vitamin C, và theo quan điểm khoa học, vitamin C có tác dụng làm giảm sản xuất melanin, làm trắng và sáng các vết nám, nhưng hiệu quả này không phụ thuộc vào liều lượng.
Vitamin C chứa trong chanh có hạn, sau khi gặp nước, vitamin C bị phá hủy không còn lại bao nhiêu nên dù bạn uống rất nhiều nước chanh cũng chưa chắc đã có làn da trắng. Hơn nữa, uống quá nhiều nước chanh rất dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Thay vì dựa vào chanh làm trắng da, kem chống nắng có tác dụng tốt hơn. Khi cơ thể cảm nhận được tác động của tia cực tím, tế bào da sẽ sản sinh thêm melanin để hấp thụ bức xạ và giảm tổn thương. Khi bạn mặc áo dài tay, đội mũ, đeo ô thì tia cực tím chiếu vào bề mặt da sẽ giảm và tạo ra hắc tố ít hơn.
4. Uống giấm có thể làm mềm mạch máu?
Nhiều người nghĩ rằng axit axetic trong giấm có thể làm mềm răng, xương và các chất canxi khác nên cũng có thể làm mềm mạch máu.
Tuy nhiên, giấm sau khi ăn vào không trực tiếp đi vào mạch máu, sẽ bị dịch tiêu hóa kiềm ở ruột non trung hòa, một lượng nhỏ axit axetic đi vào máu cũng sẽ bị chính hệ thống ổn định của cơ thể làm sạch và không phát huy tác dụng.
Hơn nữa, nếu ăn nhiều giấm nhằm mục đích làm mềm mạch máu sẽ làm bỏng niêm mạc dạ dày, thực quản. Ngoài ra, nếu các chất có tính axit thực sự có chức năng làm mềm mạch máu thì axit mạnh trong dạ dày của chúng ta có thể tự hoàn thành mà không cần đến sự trợ giúp của các chất lạ. Vì vậy, đừng mù quáng ăn giấm tùy tiện.
Khi tuổi càng cao, mạch máu chắc chắn sẽ bị lão hóa, nhưng tốc độ lão hóa và cứng lại có thể làm chậm lại bằng cách kiểm soát huyết áp, lipid máu và vận động vừa phải .
5. Uống rượu điều độ có tốt cho sức khỏe không?
Một số người quen uống rượu vang đỏ trước khi đi ngủ vì nghĩ rằng nó có thể làm đẹp da và giúp ngủ ngon. Thật ra điều này là không đúng.
Các chuyên gia cho biết, rượu vang tuy có chứa một số chất chống oxy hóa nhưng hàm lượng rất nhỏ, không thể có tác dụng làm đẹp da.
Bên cạnh đó, uống rượu để ngủ ngon cũng là điều không nên. Mặc dù rượu có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ nhưng nó sẽ khiến não của bạn ở trạng thái hoạt động không bình thường, dẫn đến thường xuyên tỉnh giấc. Ngoài ra, rượu sẽ làm giãn các cơ nâng đỡ quai hàm, có thể dẫn đến tắc nghẽn đường thở, thở kém và ngủ ngáy, từ đó làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Tạp chí “Journal of the American College of Cardiology” cũng đăng nghiên cứu: Một lượng rượu nhỏ có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ. Rung nhĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như huyết khối tim và nhồi máu não.
Vì vậy, rượu có hại nhiều hơn là có lợi cho cơ thể con người.