Ẩn họa từ biện pháp trừng phạt tinh thần trẻ em

19/10/2018 - 13:24
Mỗi năm, nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Tuy nhiên, hiện nay chính những người gần gũi với trẻ nhất như cha mẹ, thầy cô giáo vẫn sử dụng các biện pháp trừng phạt trẻ; đặc biệt là trừng phạt tinh thần ngày càng phổ biến và trầm trọng.

Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" diễn ra từ tháng 10 đến giữa tháng 11/2018, do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức với hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo giới thiệu Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" tổ chức sáng 19/10, bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý Chương trình Gia đình Việt MSD, cho biết: Qua khảo sát, từ lăng kính của trẻ em, các em sợ nhất chính là bạo lực ngay trong gia đình mình. Nơi tưởng chừng là chốn an toàn nhất dành cho trẻ, nhưng chính nơi này lại khiến các em sợ hãi bởi những lời mắng chửi, đánh đập.

Bà Anh cho biết thêm, trong bất kỳ buổi sinh hoạt tập thể nào với các em, khi hỏi các bé ở nhà có bị bố mẹ tét mông, đánh đòn không, thì 100% trẻ có mặt đều giơ tay xác nhận là có bị đánh đòn.

Trên thực tế, các bậc phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ thế nào là bạo lực trẻ em, thế nào là phân biệt đối xử; và rõ về mức độ, giới hạn thế nào thì bị coi là bạo lực về thể chất và tinh thần với trẻ. Bà Nguyễn Hải Anh lý giải thêm: Biện pháp trừng phạt thân thể trẻ như đánh bằng tay hoặc bằng roi, tát, bạt tai, véo, giật tóc, bắt ép trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài (ví dụ bắt quỳ gối).

Hoặc trừng phạt tinh thân như mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật, đồ vật hay so sánh với trẻ khác… ngày càng nghiêm trọng và gây tổn thương sâu sắc với tâm lý của trẻ.

bao-luc-tinh-thanh-voi-tre-em.jpg
Trẻ em bị tổn thương nghiêm trọng với các hành vi bạo hành tinh thần. Ảnh minh họa

Theo bà Hải Anh, tất cả những hành động nêu trên đều vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Tuy vậy, những hành vi này vẫn diễn ra do phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thực được đó là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em; cũng như chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, xưa nay vẫn có nhiều người cho rằng trẻ em vùng nông thôn bị bạo lực, trừng phạt nhiều hơn trẻ thành thị. Tuy nhiên, thực tế trẻ ở thành phố lại thường xuyên phải chịu những trừng phạt về tinh thần, thậm chí, phải chịu nhiều áp lực, kỳ vọng quá lớn của gia đình đè nặng lên vai các em, khiến các em dễ bị dồn ép, tổn thương về tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào; mà là một hành trình dài “Lan tỏa yêu thương” và thúc đẩy “Giáo dục không bạo lực”, từng bước thay đổi những quan niệm giáo dục đã rất xưa cũ và khó thay đổi trong tư duy của nhiều bậc phụ huynh là “yêu cho roi cho vọt”.

cac-su-kien-lan-toa-yeu-thuong.jpg
Các hoạt động chính của Chiến dịch Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm