pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn trái cây bị mốc để trong tủ lạnh có khiến bạn gặp vấn đề về sức khỏe không?
Có nhiều loại trái cây được bỏ trong tủ lạnh với mục đích bảo quản hương vị thơm ngon tự nhiên. Nhưng rất nhiều loại trái cây dù có bảo quản trong tủ lạnh cũng không thể tích lũy, cất giữ quá lâu. Vì trái cây có thể sẽ bị mốc, những nốt mốc trắng nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chúng ta ăn phải.
1. Nguyên nhân khiến trái cây mốc
Trái cây dễ bị mốc sau khi rửa mà vẫn để ướt và đặt vào tủ lạnh. Để bảo quản tốt trái cây trong tủ lạnh trái cây cần được rửa sạch rồi lau khô. Việc bỏ trực tiếp trái cây còn đang ướt vào tủ lạnh sẽ khiến độ ẩm trên vỏ trái cây vẫn cao, điều này dễ khiến trái cây nhanh bị mốc hơn.
Các loại trái cây có ruột mềm, mọng nước đều cần được loại bỏ nếu bị mốc. Bởi vì, khi độ ẩm của các loại trái cây này đều dễ khiến nấm mốc của trái cây lây lan nhanh chóng bên ngoài. Việc lây lan từ quả trái cây này sang các quả trái cây còn lành khiến lượng trái cây bị mốc trong tủ lạnh tăng lên nhanh chóng.
2. Cách xử lý trái cây bị mốc
Những loại trái cây dễ bị mốc dù đã bỏ trong tủ lạnh và dễ lây lan như: trái dâu tây, quả nho, quả cherry,... Vì thế, khi phát hiện ra quả mốc trong rổ trái cây được cất trong tủ lạnh bạn cần phải kiểm tra lại ngay và loại bỏ những quả đã mốc ra khỏi rổ để bảo vệ những quả trái cây còn lành.
Đối với những loại quả có vỏ dày như: cam, chanh thì nấm mốc thường xuất hiện nhỏ, đa số chỉ xuất hiện trên bề mặt nên bạn có thể nhanh chóng xử lý.
Để tiết kiệm mà không cần loại bỏ trái cây có vỏ dày khi bị mốc bạn có thể sử dụng vải sạch nhúng vào nước nóng để loại bỏ phần mốc hoặc có thể sử dụng dấm để thay thế. Sau đó, lột vỏ bên ngoài và nếu phần nấm mốc không bị ảnh hưởng đến bên trong thì trái cây đó vẫn có thể đem về sử dụng.
Lưu ý đối với loại quả như: táo cần cẩn trọng hơn. Bởi vì chỉ cần xuất hiện một lỗ thủng nhỏ và mốc thì khi ấy nấm có thể xâm nhập ngay vào bên trong. Dù có tiếc của bạn cũng không nên cố gắng ăn quả táo đã có phần bị mốc vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải khi ăn trái cây bị mốc
Không thể vì tiếc trái cây mà cố tình ăn những trái cây đã bị mốc vì những lại trái cây này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Những người có hệ miễn dịch yếu còn có thể xảy ra những tình trạng như: người ăn phải trái cây mốc bị nôn, ói, chướng bụng hoặc tiêu chảy.
Có một số loại nấm mốc nguy hiểm hơn những loại khác và mang theo độc tố. Những loại này thường có trên ngũ cốc, các loại hạt, cần tây, quả nho và quả táo. Vì vậy nếu vô tình ăn phải các loại thực phẩm trên bị mốc thì hãy lập tức tìm đến bác sĩ để kiểm tra.
Ngoài ra, một số người gặp phải tình trạng bị dị ứng với nấm mốc. Khi ăn phải các loại trái cây bị mốc có thể gây ra dị ứng. Lúc này cần đưa người bệnh đến bệnh viện để nhận được điều trị đúng cách từ bác sĩ.
Thực tế tình trạng nấm mốc trên trái cây xuất hiện rất nhiều. Tình trạng trái cây bị mốc gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe tuy nhiên nhiều người lại không nhận ra. Nếu chẳng may ăn phải trái cây bị mốc cần tăng lợi khuẩn trong ruột bằng cách ăn các thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi hoặc các loại nước ép lựu cũng giúp tăng cường lợi khuẩn tự nhiên trong ruột.
Mọi người cần cẩn thận và hạn chế tối đa tình trạng ăn phải các loại trái cây bị mốc đặc biệt là người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Việc mua trái cây và bảo quản trái cây sao cho hợp lý và cẩn thận.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân thì chỉ nên mua trái cây vừa đủ ăn, không tham rẻ mà mua trái cây với số lượng lớn. Sau khi mua nên ăn sớm và không để quá lâu. Đặc biệt đối với những loại quả mọng dễ mốc nhanh thì cần ăn luôn trong ngày.