Anh ung thư, em suy thận 10 năm

11/01/2016 - 17:05
Từ lúc 20 tuổi, Trinh đã bị suy thận độ 3. Căn bệnh ngày càng nặng, anh trai Trinh bị ung thư dạ dày không qua khỏi, gia đình khánh kiệt.

Trong phòng bệnh của khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), ông Bùi Văn Trinh (76 tuổi, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, Thái Bình) ngồi chăm chút cho con. Khi thì ông bóp chân, lúc lại lấy đồ cho con ăn. Trên giường bệnh, anh Bùi Văn Trình (30 tuổi) nhọc nhằn ăn từng thìa cháo. Đôi mắt anh thâm quầng, da xám xịt, có lẽ đó là hậu quả của căn bệnh suy thận mạn tính đã đeo bám suốt 10 năm qua. Nhìn cảnh ông lão đầu bạc chăm cho người tóc còn xanh, ai cũng ngậm ngùi, thương cảm.

“Có ai ngờ, nó bị căn bệnh hiểm nghèo ấy khi đang trong độ tuổi đẹp nhất và mãi mãi gắn với giường bệnh”, ông Trinh ngậm ngùi.

Khoảng 10 năm trước, Trình đang đi thực tập ở xưởng cơ khí trước khi tốt nghiệp thì thấy cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, hay mất tập trung, thậm chí buồn nôn… nên đến BV khám. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận cậu bị suy thận độ 3. “Cầm tờ kết luận của bác sĩ, tôi đã khuỵu xuống, trời đất quay cuồng tối sầm lại. Lúc ấy, tôi phải kìm nén để khỏi bật khóc bởi biết rằng, mọi mơ ước của mình thế là hết”, Trình chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam thăm khám cho bệnh nhân Trình

Từ đó, cuộc đời của Trình gắn liền với BV. Trong năm đầu tiên, mỗi tuần 2 lần Trình được gia đình đưa đến BV Đa khoa Thái Bình để chạy thận. Từ năm thứ 2, do thận yếu hơn nên số lần chạy thận tăng lên 3 lần/tuần. Mỗi lần chạy thận, bố hoặc mẹ phải đi cùng để hỗ trợ giấy tờ, chăm sóc. Sức khỏe của Trình rất yếu, ngoài vệ sinh cá nhân, cậu chẳng thể làm được gì giúp gia đình. Trình bảo: “Chỉ cầm chổi quét nhà thôi cũng đã hoa mắt, chóng mặt, người lảo đảo chực ngã xuống đất. Vì thế, tấm bằng nghề cũng như nghề đã học, tôi chưa từng sử dụng và có lẽ chẳng bao giờ sử dụng được nữa”.

Dường như bệnh tật chẳng muốn buông tha Trình. Cách đây hơn 1 tháng, anh có biểu hiện cử động hai chi dưới khó, chân yếu dần, thắt lưng đau, tê bì từ cẳng chân 2 bên xuống bàn chân. Gần 1 tháng nay, anh không thể đi lại được nên được chuyển lên BV Việt Đức để điều trị. Kết quả chụp cộng hưởng từ và các xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân khiến anh không đi lại được là “do cốt hóa dây chẳng vòng cột sống, ngực có chèn ép tủy”, phải mổ để giải ép và cố định cột sống.

Em suy thận, anh ung thư dạ dày

Trình là con thứ trong gia đình có 3 anh chị em. Thu nhập của cả gia đình bao năm qua chỉ trông vào vài sào ruộng nên rất khó khăn. Từ lúc Trình bị bệnh đến nay, gia đình đã khánh kiệt. Không những thế, hơn 1 năm trước, anh trai Trình bị ung thư dạ dày. Bố mẹ đã chạy đôn đáo, vay mượn để chữa bệnh cho con nhưng không qua khỏi.

Lúc nông nhàn, vợ chồng ông Trinh dù tuổi đã cao nhưng vẫn đi làm thuê để có tiền cho con trị bệnh. Ai thuê gì làm nấy, từ đi cấy, gặt và làm cỏ rau... chỉ mong mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng. Có lần, ông đánh liều nhận đi phụ hồ, nhưng chỉ được vài ngày phải nghỉ bởi sức khỏe đã yếu.

Ông Trinh đang chăm sóc cho con

Gần đây, khi bệnh của Trình trở nặng, phải chuyển lên BV Việt Đức, khó khăn ngày càng chồng chất. Để tiết kiệm, mỗi ngày ông chỉ mua cơm 2 lần, mỗi lần 1 suất giá 20.000 đồng bố con ăn chung. Hôm nào đói thì mua thêm ổ bánh mỳ. Ông Trinh cho biết: “Tài sản gia đình tôi hiện chẳng có gì ngoài căn nhà cấp 4 lụp xụp sắp đổ. Nhiều lần chúng tôi cũng muốn sửa chữa lại để tránh mưa nắng nhưng chẳng có tiền. Chiếc điện thoại đen trắng tôi dùng làm phương tiện liên lạc cũng là nhờ một người thân hỗ trợ”.

Đã 10 năm qua, vợ chồng ông chẳng có giấc ngủ ngon. Nhìn con từ một người vui tính, năng động trở nên sầu não, đôi mắt mệt mỏi, thâm quầng, nước da vàng và xanh, ông Trinh không ngăn được hai dòng nước mắt. Có những hôm không kìm được, ông phải chạy ra góc bếp ngồi khóc một mình trong bóng tối. “Tôi chẳng bao giờ dám ngủ say, chỉ cần nghe tiếng đập tay của con là giật mình tỉnh giấc. Tôi chỉ ước ao con khỏi bệnh thì dù có đánh đổi mười hay hai mươi năm tuổi thọ cũng cam lòng”, ông Trinh ngậm ngùi.

Bệnh nhân Bùi Văn Trình bị suy thận mạn tính đã 10 năm. Trước khi vào BV Việt Đức, bệnh nhân chạy thận tại BV Đa khoa Thái Bình, tuần 3 lần. Gần một tháng nay, bệnh nhân không thể đi lại được nên chuyển lên BV Việt Đức. Ngoài suy thận, bệnh nhân còn bị viêm gan C, thiếu máu.

Hiện Việt Nam có khoảng 6 triệu người bị bệnh thận mạn, chiếm 6,73% dân số. Trong đó, có khoảng 800.000 bệnh nhân ở tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối nhưng chỉ 10% được lọc máu (chạy thận nhân tạo). Có nhiều nguyên nhân gây suy thận, trong đó có hai nguyên nhân chính là do viêm cầu thận cấp và tăng huyết áp quá cao làm cho áp lực máu quá mạnh gây phá hủy cầu thận. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như mắc bệnh lý nhiễm trùng; do biến chứng của bệnh đái tháo đường; côn trùng đốt, rắn cắn; dùng thuốc điều trị có thể gây tổn thương thận… Khi bị suy thận, một số bộ phận cơ thể bị phù, rõ nhất là ở chân. Ngoài ra, cơ thể bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
                                                        Bác sĩ Nguyễn Xuân Nam, khoa Thận - Lọc máu, BV Việt Đức

Gia đình ông Trinh rất khó khăn nên cần sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi ủng hộ, xin gửi về: Ông Bùi Văn Trinh, xóm 8, xã Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình. Điện thoại: 0989.277.539. Hoặc Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối, Hà Nội. Số tài khoản: 102010000016663; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chúng tôi sẽ chuyển tiền ủng hộ của độc giả tới gia đình ông Trinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm