Áp lực ngược của sếp trẻ

07/09/2015 - 15:52
Giữ vị trí quản lý khi tuổi đời còn trẻ khiến Minh Trang gặp nhiều áp lực ngược từ cấp dưới.
Kính gửi cô Thanh Tâm!
Năm nay cháu 29 tuổi nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và ngoại giao. Bản thân cháu tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng nhưng hiện giờ cháu đang làm cho một công ty giải trí có uy tín trong thành phố. Cháu biết mình còn nhiều thiếu sót nên rất nỗ lực phấn đấu trong công việc để có thể khẳng định bản thân. Bên cạnh đó, cháu may mắn gặp được những cấp trên nhìn nhận được khả năng và nhiệt huyết trong công việc của cháu. Cách đây nửa năm, cháu được đề bạt lên vị trí quản lý Biên tập với một nhóm gần 10 người. Thú thực với cô, từ ngày trở thành quản lý cháu cảm thấy vô cùng áp lực, nặng nề về tâm lý khi phải “đối phó” với những nhân viên cấp dưới.
Trong công việc cháu thừa nhận mình là người đòi hỏi cao về sự tỉ mỉ, cẩn trọng cũng như tính sáng tạo. Khi nhân viên mắc lỗi hoặc làm việc chưa đúng quy trình, cháu góp ý thẳng thắn với mong muốn để các em sửa đổi, tiến bộ. Thực tâm, cháu rất muốn đào tạo các bạn trẻ đó thành những nhân viên giỏi, có khả năng để trở thành quản lý như cháu.
Trong giao tiếp hàng ngày, cháu cũng cố gắng mềm mỏng, tìm hiểu đời sống, tâm lý của nhân viên để có thể giúp đỡ hoặc hiểu họ nhiều hơn. Cháu luôn cho rằng, khi mình cố gắng hết sức và chân thành thì nhân viên sẽ hiểu mình và làm việc tốt hơn cho mình. Nhưng cô ạ, ngược lại với những thành ý đó, cháu chỉ nhận được sự chống đối của nhân viên cấp dưới. Họ cho rằng, cháu khó tính, đòi hỏi quá cao, công việc hoàn thành là tốt còn đòi chất lượng cao. Họ cho rằng, cháu không phải dân chuyên nghiệp nhưng cứ thích thể hiện, bắt ne bắt nét họ từng chi tiết khiến họ không có thời gian để vào facebook, mua hàng qua mạng... Họ chống đối bằng cách làm việc cầm chừng, đổ thừa trách nhiệm khi có sự cố. Không ai biết rằng, những ngày nghỉ tết cháu cố phân công cho các bạn ở quê ít việc hơn còn mình đảm đương nhiệm vụ để mọi người có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Không ai biết rằng, khi một sản phẩm làm ra tệ, cháu đã bỏ công dùng các ứng dụng hiện đại hơn để giảm bớt cái phần kém đi và khi được khen thì cả nhóm đều cho rằng họ làm được vậy là thực lực của họ.
Có ai là quản lý lại chịu áp lực ngược đời từ nhân viên cấp dưới như thế này không ạ? Cháu nên làm gì cho đúng đây cô?
Minh Trang - Ba Đình, Hà Nội

Từ ngày trở thành quản lý, Trang cảm thấy vô cùng áp lực, nặng nề về tâm lý khi phải 'đối phó' với những nhân viên cấp dưới (ảnh minh họa)

Cháu Trang thân mến!
Đọc thư của cháu, cô có thể nhận ra cháu là một cô gái trẻ năng động và rất có nhiệt tâm trong công việc. Tuy cháu không được học đúng chuyên ngành về truyền thông nhưng cháu có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế và luôn có chí phấn đấu để trở thành một nhân viên ưu tú. Những điểm tích cực đó của cháu đã được lãnh đạo cấp trên nhìn ra và đánh giá cao.
Tuy nhiên, thời gian cháu làm quản lý chưa dài và dù cháu có năng lực làm việc cũng không đồng nghĩa với việc cháu sẽ là một quản lý tốt ngay được. Cháu nên học một khóa học về quản lý để chủ động ứng phó với các tình huống và biết cách giao việc, quản lý công việc, yêu cầu công việc và nghiệm thu công việc. Qua thư, cô thấy cháu đã nỗ lực để chiếm được tình cảm của nhân viên cấp dưới. Điều đó tốt nhưng chưa đủ. Cháu cần có một quy chế làm việc rõ ràng để mình quản lý nhân viên bằng hiệu quả công việc và ý thức làm việc. Đồng thời cũng nên học hỏi kỹ năng làm việc nhóm để có thể tạo lập một nhóm làm việc năng động, đoàn kết và hiệu quả trong công việc. Chúc cháu sớm thành công!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm