pnvnonline@phunuvietnam.vn
Áp xe gan là gì? Điều trị áp xe gan bằng cách nào?
Gan là một cơ quan trong hệ tiêu hóa của cơ thể với chức năng hỗ trợ quá trình tiêu hóa và các quá trình thiết yếu khác như sản xuất mật để giúp phân hủy thức ăn thành năng lượng; tạo ra các chất cần thiết, chẳng hạn như kích thích tố; làm sạch chất độc từ máu, bao gồm cả chất độc từ thuốc, rượu và ma túy; và kiểm soát việc lưu trữ chất béo, sản xuất và giải phóng cholesterol.
Áp xe gan là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời và đang có xu hướng phổ biến hơn ở nước ta.
1. Áp xe gan là gì?
Áp xe gan là tình trạng trong gan hình thành một hoặc nhiều nang chứa mủ. Bất kỳ ai cũng có thể mắc căn bệnh này do nhiễm trùng lây lan trực tiếp từ các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như ống dẫn mật, từ ruột thừa hoặc ruột... Áp xe gan cũng có thể phát triển do phẫu thuật hoặc do các chấn thương gan khác.
Đọc thêm bài viết về bệnh áp xe gan:
- Bị áp-xe gan chỉ vì ham ăn đồ sống, ăn gỏi
- Áp xe gan là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Loại áp xe gan phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Áp xe gan do vi khuẩn thường được gọi là áp xe gan sinh mủ. Trong khi đó, áp xe gan do các vi sinh vật siêu nhỏ như amip (Entamoeba histolytica) gây rối loạn đường ruột, bệnh lỵ gây ra được gọi là áp xe gan do amip.
Khi được phát hiện kịp thời, áp xe gan thường có thể điều trị được và có thể chữa khỏi bằng một đợt kháng sinh hoặc kết hợp nhiều loại kháng sinh và phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, áp xe gan có thể vỡ ra và lây lan nhiễm trùng, dẫn đến nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây áp xe gan
Nguyên nhân dẫn đến áp xe gan có thể là do nhiễm trùng trong máu, trong hệ tiêu hóa hoặc ổ bụng. Nó cũng có thể được gây ra bởi phẫu thuật hoặc gặp các chấn thương khác ở gan. Những nguyên nhân nhiễm trùng có thể được kể đến như:
- Nhiễm khuẩn trong ống dẫn mật,
- Nhiễm trùng do vi khuẩn trong ổ bụng từ các tình trạng viêm ruột thừa, viêm túi thừa hoặc thủng ruột.
- Nhiễm trùng máu.
- Nhiễm trùng do nguyên sinh vật amip - Entamoeba histolytica, nguyên sinh vật này cũng gây viêm đại tràng, bệnh lỵ, có thể lây lan qua nước hoặc qua tiếp xúc giữa người với người.
Ngoài ra, áp xe gan cũng có thể xuất hiện do quá trình thực hiện phẫu thuật và chẩn đoán ở gan như nội soi ống dẫn lưu mật.
3. Nguy cơ mắc bệnh áp xe gan là gì?
Dù cho tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh áp xe gan, có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh này. Tuy nhiên cần lưu ý rằng không phải tất cả những người có các yếu tố nguy cơ này sẽ bị áp xe gan.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh áp xe gan sinh mủ bao gồm:
- Những người mắc bệnh Crohn, bệnh tiểu đường.
- Người đã và đang bị nhiễm trùng ổ bụng hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa.
- Những người vừa trải qua cuộc phẫu thuật bụng gần đây.
- Người vừa thực hiện nội soi ống dẫn lưu mật.
Các yếu tố nguy cơ của áp xe gan do amip bao gồm:
- Người cao tuổi, người ốm yếu do dinh dưỡng kém.
- Người nghiện rượu hoặc uống nhiều rượu.
- Người đã bị tổn thương hệ miễn dịch như HIV / AIDS hoặc mắc các bệnh suy giảm miễn dịch khác.
- Người đang dùng corticosteroid, người đã ghép tạng, hoặc mắc bệnh ung thư và điều trị ung thư.
- Người có đi du lịch đến các vùng thường xảy ra nhiễm trùng amip.
4. Triệu chứng
Những triệu chứng thường gặp của bệnh áp xe gan có thể xuất hiện sau từ 2 đến 4 tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Bệnh nhân có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng và đôi khi bất kỳ triệu chứng nào cũng có thể trở nên nghiêm trọng:
- Đau bụng (đặc biệt là ở phần trên bên phải của bụng).
- Tiêu chảy hoặc phân có màu đất sét, nước tiểu đậm.
- Ho, sốt, cảm thấy người ớn lạnh.
- Đau khớp.
- Ăn không ngon, cơ thể khó chịu và thậm chí hôn mê.
- Buồn nôn có hoặc không kèm theo nôn.
- Đau ngực do viêm màng phổi (đau khi hít thở)
- Thường xuyên đổ mồ hôi và giảm cân không giải thích được.
- Vàng da và vàng mắt
Nếu có bất kì triệu chứng nào dưới đây, người nhà cần ngay lập tức gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất:
- Thay đổi trạng thái tâm thần hoặc thay đổi hành vi đột ngột như lú lẫn, mê sảng, hôn mê, ảo giác và hoang tưởng.
- Sốt cao (cao hơn 38,5 độ C), người co giật, nhịp tim nhanh.
- Gặp các vấn đề về hô hấp như thở gấp, khó thở hoặc không thở được, thở khò khè hoặc nghẹt thở.
- Đau dữ dội, nôn mửa.
5. Các biến chứng tiềm ẩn của áp xe gan
Áp xe gan nếu không được điều trị hoặc điều trị không thích hợp dẫn đến không kiểm soát được bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng trong một số trường hợp. Các biến chứng của áp xe gan xảy ra bao gồm:
- Phù thũng (tình trạng tích tụ mủ trong ngực).
- Viêm nội tâm mạc (viêm niêm mạc tim và van tim).
- Suy gan.
- Tràn dịch màng phổi (tích tụ chất lỏng xung quanh phổi).
- Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng).
- Nhiễm trùng lây lan toàn ổ bụng và các cơ quan khác lân cận.
- Vỡ ống tiêu hóa khiến bệnh nhân bị nôn ra mủ, đi ngoài ra máu hoặc ổ áp xe vỡ vào cơ thành bụng gây áp xe cơ thành bụng hoặc tạo thành những lỗ rò chảy mủ.
6. Chẩn đoán áp xe gan
Để chẩn đoán bệnh nhân có mắc áp xe gan hay không, ngoài việc hỏi thăm các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm công thức máu đầy đủ (CBC), xét nghiệm chức năng gan (LFT's) và cấy máu để tìm ra sự tăng bạch cầu, tăng tốc độ lắng máu, thiếu máu đẳng sắc nhẹ, bất thường chức năng gan (tăng ALP, giảm albumin, tăng men gan, tăng bilirubin), cấy máu dương tính.
- Xét nghiệm phân để tìm ra trứng hoặc thể tư dưỡng của histolytica.
- Xét nghiệm huyết thanh nếu nghi ngờ nhiễm histolytica.
- Chụp X-quang ngực thẳng để phát hiện vòm hoành phải nâng cao, có thể có xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
- Siêu âm cho thấy hình ảnh ổ áp-xe và giúp kiểm tra đường mật.
- CT scan cũng giúp phát hiện áp-xe, có thể phát hiện những áp-xe nhỏ.
- Nội soi mật tụy ngược dòng có thể chỉ ra vị trí và nguyên nhân tắc nghẽn.
7. Điều trị và thời gian điều trị áp xe gan
Áp xe gan là một bệnh nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng và gây tử vong. Do đó việc điều trị được thực hiện để chữa khỏi áp xe, ngăn chặn các triệu chứng và ngăn ngừa tử vong. Phương pháp và thời gian điều trị áp xe gan còn tùy thuộc vào loại áp xe gan mà bệnh nhân mắc phải. Trong đó có thể bao gồm:
Dùng thuốc điều trị:
Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị áp xe gan. Bác sĩ có thể sử dụng nhiều loại kháng sinh và việc chỉ định loại nào còn phụ thuộc vào bản chất của sinh vật mà người bệnh nhiễm phải và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Thuốc có thể sử dụng ở đường uống hoặc tiêm tính mạch cánh tay, bàn tay. Một số loại kháng sinh có thể được kể đến như:
- Aminoglycoside, chẳng hạn như amikacin (Amikin) hoặc gentamicin (Garamycin).
- Clindamycin (Cleocin).
- Kết hợp piperacillin-tazobactam (Zosyn).
- Metronidazole (Flagyl).
Đối với áp xe gan do amip có thể sử dụng thêm các loại thuốc diệt amip sau khi bệnh nhân đáp ứng điều trị sau 10 ngày. Các thuốc diệt amip ở mô có thể kể đến như emetine, nhóm imidazole, chloroquine và các thuốc diệt amip do tiếp xúc như quinoleine, diloxanide furoate
Nếu bệnh nhân mắc áp xe gan do nấm, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc kháng nấm như amphotericin...
Chỉ định chọc hút áp xe gan:
Chọc hút áp xe gan sẽ được chỉ định nhằm dẫn lưu mủ ra khỏi ổ áp xe. Chỉ định chọc hút áp xe gan có thể được dùng kết hợp với phương pháp dùng thuốc kháng sinh hoặc có thể được thực hiện nếu thuốc không có tác dụng hay tình trạng nhiễm trùng đã gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
Để thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một kim hoặc ống thông đưa qua da của bệnh nhân. Chọc hút bằng kim (có hoặc không đặt ống thông) sẽ được chỉ định thực hiện cho ổ áp xe có đường kính <5cm, và dẫn lưu bằng ống thông được sử dụng cho những ổ áp xe lớn hơn.
Các bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh CT scan hoặc siêu âm để giúp đặt dây vào đúng vị trí. Sau đó, một ống mềm, mỏng được đặt qua dây dẫn vào ổ áp xe. Ống được giữ nguyên trong vòng từ 5 đến 7 ngày để rút hết các chất lỏng có trong ổ áp xe. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện, các bác sĩ sẽ rạch qua da vào ổ áp xe gan và dẫn lưu mủ ra ngoài.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm về gan sau khi điều trị như siêu âm, CT hoặc MRI để xác định tình trạng hồi phục của bệnh nhân.
Thời gian điều trị áp xe gan
Hiện tại, đối với các tình trạng áp xe gan chưa gây thương tổn đến các cơ quan khác và được dẫn lưu mủ ra ngoài, thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tuần. Nhiều trường hợp áp xe nặng hơn, ổ áp xe lớn và có lan sang các bộ phận khác của cơ thể có thể cần đến 12 tuần điều trị hoặc hơn.
Thời gian điều trị của mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn đầy đủ khi bắt đầu tiến hành các liệu pháp cụ thể.
8. Người bệnh áp xe gan nên ăn gì?
Một chế độ ăn thích hợp không những giúp bệnh nhân áp xe gan tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ việc điều trị bệnh. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh áp xe gan nên ăn những nhóm thực phẩm như:
- Thực phẩm có chứa nhiều chất đạm. Bổ sung nhóm thực phẩm này sẽ giúp cung cấp năng lượng cho người bệnh, hỗ trợ các hoạt động do áp xe làm tổn thương ảnh hưởng đến chức năng của gan. Các loại thực phẩm nhiều đạm nên bổ sung là thịt, trứng gà...
- Ăn nhiều rau, củ, quả giúp cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Tăng cường bổ sung các loại hạt sẽ giúp phòng chống sự phát triển của bệnh áp xe gan. Những loại hạt có lợi cho gan có thể kể đến như đậu, hạt bí đỏ, hạt hướng dương, hạt điều, hạt óc chó, hạnh nhân...
- Thịt trắng có lợi cho gan và ngăn ngừa áp xe gan phát triển như cá, thịt gà... cũng rất có lợi đối với người bệnh.
Bên cạnh bổ sung các nhóm thực phẩm, người bệnh áp xe gan cũng nên chia khẩu phần ăn của mình thành những bữa nhỏ. Một ngày nên có 6 đến 8 bữa ăn giúp giảm áp lực tiết mật cùng một lúc trong thời gian dài cho gan. Bệnh nhân cũng nên ăn uống đúng giờ, tránh nhịn đói hoặc ăn quá bữa.
Chức năng gan suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn, do đó nên tăng cường chế biến các món ăn luộc và hạn chế các món nhiều dầu mỡ. Ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng tổn thương gan và tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ nếu mỡ tích tụ quá nhiều ở gan.
9. Phòng tránh áp xe gan
Tuy rằng bệnh áp xe gan có thể xảy ra ở bất kỳ ai và việc tránh hoàn toàn việc nhiễm bệnh là không thể. Bạn vẫn có thể làm giảm các nguy cơ mắc bệnh bằng cách nghiêm túc thực hiện những biện pháp sau đây:
- Tránh ăn các thực phẩm chưa nấu chín như gỏi, tiết canh, rau sống...
- Không uống nước lã chưa đun sôi, đồ uống không hợp vệ sinh.
- Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống.
- Hạn chế đi lại ở những vùng thường xảy ra nhiễm trùng amip để tránh nhiễm bệnh.
10. Một số câu hỏi thường gặp
Những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình điều trị áp xe gan là gì?
Trong quá trình điều trị bệnh, vẫn có một số nguy cơ có thể xảy đến gây nguy hiểm đến người bệnh bao gồm:
- Chảy máu.
- Nhiễm trùng thứ phát.
- Áp xe không được chữa khỏi.
- Thời gian điều trị kéo dài.
Tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra nếu bệnh nhân tuân thủ đúng và chính xác theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Tiên lượng của bệnh áp xe gan?
Đối với các trường hợp áp xe sinh mủ, tỷ lệ tử vong sẽ từ 2 đến 12% ở các nước phát triển. Dẫn lưu phẫu thuật mở, bệnh lý ác tính và nhiễm trùng kỵ khí là những yếu tố nguy cơ độc lập gây tử vong.
Tỷ lệ tử vong sẽ ít hơn 1% đối với áp xe gan do sỏi không biến chứng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tăng bilirubin máu, giảm albumin máu, áp xe lớn, nhiều ổ áp xe là các yếu tố nguy cơ độc lập gây tử vong trong trường hợp này.
Có những lưu ý nào sau khi xuất viện hay không?
Tùy thuộc vào loại thuốc kháng sinh được sử dụng, bệnh nhân có thể cần phải xét nghiệm và theo dõi công thức máu đầy đủ, bảng chuyển hóa cơ bản và xét nghiệm chức năng gan khi bệnh nhân ngoại trú.
Có rất nhiều bệnh nhân vẫn sử dụng kháng sinh đường tiêm tại thời điểm xuất viện và do đó họ cần được yêu cầu chăm sóc tại nhà để sử dụng kháng sinh và theo dõi. Một số bệnh nhân có thể yêu cầu tạm trú tại cơ sở phục hồi chức năng nội trú khi xuất viện nhằm tiện lợi hơn trong quá trình bình phục sau này.